Teen tự đóng ghim, ốc vít… vào cơ thể

Cô gái trẻ mới 16 tuổi được đưa tới phòng cấp cứu do bị nhiễm trùng nặng nơi cánh tay.

15.5981
Khi các bác sĩ dùng sóng siêu âm kiểm tra, họ bị sốc khi phát hiện tới 20 dị vật dưới da của cô, gồm cả một chiếc ghim giấy dài 16cm, một chiếc ốc vít tháo ra từ kính của cô bé và nhiều đầu bút chì.
 
Thiếu nữ kể trên đã có hành động "tự cấy dị vật vào người", một hiện tượng tự gây thương tích đang xuất hiện ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Những người thực hiện hành động kỳ dị này phần lớn là thanh thiếu niên tuổi teen (13-18). Họ cố tình khiến bản thân phải chịu đau đớn kéo dài, dù không có ý định tự sát.

Tự cắt tay để nhét dị vật vào người

Hình ảnh chụp X quang về dị vật nằm trong cánh tay một cô gái 17 tuổi.

"Cô bé dùng dao cắt vào tay, tạo vết thương mở rồi liên tục nhét những dị vật vào" - bác sĩ William Shiels, lãnh đạo Phòng X quang tại Bệnh viện Nhi Quốc gia ở Columbus, Ohio, Mỹ, cho biết về trường hợp ở trên - "Một cô gái trẻ khác thậm chí còn bẻ những cái răng lược và ấn chúng xuyên qua da".

Shiels cho biết hiện tượng tự cấy dị vật vào người của teen còn gồm việc đưa các mảnh thủy tinh, gỗ, kim loại, đá hoặc các vật liệu khác vào dưới da. Ngoài nguy cơ gây nhiễm trùng, việc đưa dị vật vào cơ thể còn có thể dẫn tới hiện tượng tạo sẹo trâu. Đây là những cái sẹo nổi lớn với thớ to, đỏ, hình thành từ việc sửa chữa mô quá mức của cơ thể.

Ngoài ra, người tự hành xác còn có thể bị đau đớn kéo dài. "Một vết ong đốt hoặc một cái mụn nhỏ bị nhiễm trùng sẽ rất gây đau đớn. Bạn cứ nhân sự đau đớn đó lên 50 lần" - Shiels nói về sự đau đớn mà teen phải chịu.

Trong một nghiên cứu do Shiels và cộng sự tiến hành, được công bố hồi tháng 9 trên tạp chí Radiology, có từ 13 - 23% teen Mỹ đã tham gia các hoạt động tự gây thương tích cho bản thân có chủ ý. Họ cũng thấy rằng trong số khoảng 600 bệnh nhân tìm tới Bệnh viện Nhi Quốc gia để gỡ bỏ dị vật nằm dưới da, có 11 người (khoảng 1,8%) đã cố tình khiến bản thân bị thương bằng cách nhét dị vật vào người.

Tổng cộng, Shiels và cộng sự đã gỡ bỏ 68 trong 76 dị vật nằm trong bàn tay, cổ, cẳng chân, cánh tay của 11 teen kể trên. Trong một trường hợp, cậu trai 18 tuổi còn tự nhét vào người tới 35 dị vật, gồm ghim giấy, răng lược, một mảnh răng của chiếc dĩa và một chiếc giũa móng tay.

Không phải hiện tượng mới mẻ

Những người tuổi teen tự gây thương tích không phải hiện tượng mới mẻ trên thế giới. Nhưng cho tới nay, dư luận chủ yếu chú ý tới thói quen cắt vào cơ thể thành thương. Tại Việt Nam, có thời gian một số teen cũng gây chú ý vì hiện tượng dùng dao gây thương tích trên người. Lý do để các teen làm điều này vì bị thầy cô chỉ trích, bị bố mẹ mắng vì lười học, bạn bè "bạc bẽo", cãi nhau với người yêu hoặc vì nhiều lý do khác.

Tuy nhiên găm dị vật vào người đã đưa hoạt động tự gây thương tích cho cơ thể lên "tầm cao" mới. Khi nhóm của Shiels lần đầu phát hiện sự việc và thông báo nó trong một buổi họp của ngành y tế hồi năm 2008, một số người đã nghĩ việc cấy dị vật chỉ là cá biệt và không đi quá ranh giới Columbus. Nhưng Shiels cho biết giờ gần như "mọi thành phố ở Mỹ đều có từ 1-2 trường hợp tự gắn dị vật vào cơ thể".

Tiến sĩ Wendy Lader, một nhà tâm lý học đã tìm ra chương trình điều trị cho những người tự cắt vào cơ thể mang tên S.A.F.E đã rất quan tâm tới nghiên cứu của Shiels. Theo bà, giống nhiều dạng tự gây thương tích khác, gắn dị vật không phải hiện tượng mới. Vào giữa những năm 1890, một số phụ nữ mắc chứng cuồng loạn cũng thường tự đóng đinh ghim vào cơ thể họ.

Tuy nhiên điều khiến Lader quan ngại là hiện tượng tự làm bản thân bị thương, từ chỗ rất ít gặp nay đã xuất hiện tràn lan. Bà quan ngại rằng khi việc này trở nên phổ biến, người ta sẽ hình thành nhu cầu tìm ra những cách thức hành xác mới hơn, "độc hơn" và dĩ nhiên, sẽ khiến các bác sĩ đau đầu hơn để giải quyết.

Tìm nỗi đau thể xác để chữa bệnh tâm lý

Với Shiels, dù hành động của teen là cắt tay, găm dị vật vào người hay nhiều trò điên rồ khác, nó đều cho thấy rằng chủ nhân của những hành động này đang gặp sự cố về tinh thần và cần được giúp đỡ. Được biết 11 teen trong nghiên cứu của Shiels đều là nữ giới, với tuổi dao động từ 14- 18. Các em đều đang gặp một số hiện tượng rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, mất khả năng kiểm soát sự lo âu hoặc bị trầm cảm sau tai nạn.

"Một cô gái nói với chúng tôi rằng, em dễ đương đầu với nỗi đau về thể xác hơn là nỗi đau tinh thần trong cuộc sống" - Shiels nói. "Lý do các em cắt vào cơ thể và gắn vào người dị vật là nỗ lực để tự giải thoát nỗi đau sâu thẳm ẩn trong tâm trí".

Bác sĩ Niranjan Karnik, một giáo sư tâm lý và hành vi tại Trung tâm Y tế Đại học Chicago đánh giá người thích gây thương tích cho bản thân cũng có nguy cơ tự sát cao.
 
Trong khi cha mẹ yêu cầu teen lập tức chấm dứt hành vi này, Karnik cho rằng chỉ sự cấm đoán không phải là giải pháp tốt. "Tự làm bị thương giống như một chiếc van xả sức ép tinh thần của các bệnh nhân" - Karnik nói - " Chúng ta phải hiểu điều đó để hợp tác với các em, cùng các em đưa ra chiến lược tốt hơn nhằm chống lại sự căng thẳng, lo lắng, những bức xúc trong lòng mà các em đang phải chịu đựng".
 
Theo Thể thao & Văn hóa
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]