Thay van tim thành công qua ống thông

SKĐS - TS.BS. Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu Can thiệp tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện TW Huế cho biết, Trung tâm Tim mạch vừa thực hiện thành công phương pháp thay van tim cho một bệnh nhân nam bằng ống thông mà không phải mổ hở.

15.6097

TS.BS. Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu Can thiệp tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện TW Huế cho biết, Trung tâm Tim mạch vừa thực hiện thành công phương pháp thay van tim cho một bệnh nhân nam bằng ống thông mà không phải mổ hở.

Bệnh nhân L.T.T., 69 tuổi, trú tại TP. Huế bị hẹp van động mạch chủ vôi hóa rất nặng, gây suy tim nặng, nên không thể phẫu thuật thay tim.

Ca thay van tim qua ống thông được thực hiện vào ngày 5/4, với sự hỗ trợ của TS. Nguyễn Lân Hiếu (Viện Tim mạch Việt Nam) và một chuyên gia đến từ Viện Tim mạch Singapore, cùng sự phối hợp các khoa thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện TW Huế (Ngoại lồng ngực tim mạch, Gây mê hồi sức tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh tim mạch, Cấp cứu tim mạch can thiệp).

Bệnh nhân được gây mê toàn thân, tạo nhịp chờ tạm thời và siêu âm qua thực quản. Các bác sĩ đã đưa ống thông động mạch đùi  lên tới van động mạch chủ, dùng bóng nong van động mạch chủ. Sau đó đặt một van tim nhân tạo là van tim của heo đính vào một stent để đưa thiết bị vào thay van tim cho bệnh nhân trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Sau khi được thay van, bệnh nhân đã tỉnh táo, chức năng tim cải thiện. Chiều 7/4, sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi tốt và chuẩn bị xuất viện.

Theo TS. Nguyễn Cửu Lợi, đây là kỹ thuật tương đối khó, chi phí cao và đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều chuyên khoa với nhiều thiết bị hiện đại. Đặc biệt, thiết bị van tim cho phương pháp này chỉ được sản xuất theo các thông số kỹ thuật riêng cho từng bệnh nhân và  sản xuất ở các hãng nổi tiếng của Mỹ và châu Âu nên giá thành hiện tại rất cao (hơn 50 nghìn USD và hiện chưa có trong danh mục thanh toán của Bảo hiểm Y tế) và một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong lúc gắn van tim. Do vậy, kỹ thuật này chỉ áp dụng cho những bệnh nhân hẹp van động mạch chủ, suy tim quá nặng và tuổi đời quá cao hoặc suy thận nặng, không thể phẫu thuật thay van bằng mổ hở thông thường.

BS. Lợi cho biết thêm, đây là trường hợp đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên và thứ tư tại Việt Nam (sau Hà Nội, An Giang và Cần Thơ) thực hiện thành công kỹ thuật này.                                                                                  

Xuân Hồng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]