Thể thao giúp phòng và điều trị viêm gan

Để phòng viêm gan, ngoài sử dụng vắcxin, chế độ ăn uống phù hợp… việc tập luyện thể thao cũng giúp cải thiện những triệu chứng, hỗ trợ điều trị bệnh.

15.5888

Cải thiện triệu chứng và hỗ trợ điều trị nguyên nhân

Mệt mỏi: là triệu chứng thường xuất hiện ở bệnh nhân viêm gan, do ngủ ít, strees, không đủ dinh dưỡng, do các bệnh khác kèm theo, thuốc điều trị viêm gan (interferon), năng lượng dự trữ giảm, tổn thương hệ miễn dịch… Với các lý do này thì việc luyện tập có thể giúp ngủ tốt, giảm lo âu, căng thẳng, cung cấp năng lượng cho cơ thể, kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động.

Đầy bụng, chậm tiêu: tập luyện làm tăng vận động các cơ trên đường tiêu hóa.

Ngoài ra, luyện tập còn hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây bệnh gan như:

Kích thích hệ thống miễn dịch: một cơ thể cường tráng sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, khi nhiễm virus sẽ đáp ứng điều trị tốt hơn một cơ thể suy nhược.

Giảm quá trình oxy hóa: tập luyện giúp tăng vận mạch, tăng tưới máu, tăng oxy nuôi dưỡng các mô, chống lại quá trình oxy hóa là quá trình làm hủy hoại tế bào.

Kích thích sản sinh glutathione: là một chất giúp chống lại quá trình oxy hóa và tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Giảm ảnh hưởng của các bệnh khác tới gan: Khi đang bị viêm gan mà còn mắc thêm những bệnh khác sẽ khiến việc điều trị gặp trở ngại. Ví dụ, tăng huyết áp, béo phì… làm tăng gánh nặng cho gan, nhưng nếu có luyện tập sẽ giảm những gánh nặng này.

Giảm gánh nặng vì một số bệnh liên quan

BS Nguyễn Xuân Thắng - BV Nhân dân 115 cho biết: "Bệnh thần kinh, tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp… là những bệnh lý liên quan đến gan. Các yếu tố này xuất hiện làm tăng khả năng nhiễm viêm gan, tăng gánh nặng cho gan mà khi luyện tập đều có thể giảm và phòng ngừa được".

Bệnh thần kinh: điển hình là tai biến mạch máu não (đột quỵ). Khi bị đột quỵ thường để lại hậu quả nặng nề, yếu hoặc liệt nửa người, thậm chí tổn thương ngôn ngữ, trầm cảm, giảm hoặc mất khả năng sinh hoạt, lao động. Luyện tập sẽ giúp phục hồi lại chức năng đã mất sau tổn thương não.

Tim mạch: cũng giống như đột quỵ, việc tập luyện cũng giảm được các yếu tố nguy cơ như: béo phì, rối loạn máu, tiểu đường, tăng huyết áp. Ngoài ra, việc luyện tập đều đặn cũng tăng được khả năng gắng sức đối với bệnh nhân tim mạch.

Nội tiết: Việc tập luyện có thể giảm đường huyết, kiểm soát đường huyết trong thời gian dài; tăng sự nhạy cảm insulin, giúp tăng đưa đường vào tế bào; tăng tiêu thụ glucose ở các mô cơ; cải thiện tình trạng thừa cân béo phì; tăng cường khả năng vận mạch tại các chi.

Cơ xương khớp: Khi hoạt động sẽ giúp các bao hoạt dịch ở đầu cơ tăng tiết dịch, giúp bôi trơn khớp. Tăng tiết dịch này rất quan trọng với những trường hợp khớp hạn chế vận động như cố định khớp, bó bột. Ở các khớp chịu lực như khớp háng, khớp gối… việc luyện tập đều đặn sẽ giúp khỏe mạnh gân cơ quanh khớp, tăng cường khả năng bảo vệ khớp.

Theo BS Thắng: "Trong quá trình luyện tập cần tuân thủ nguyên tắc: Làm ấm cơ thể - luyện tập - làm nguội. Nên tập đều đặn thường xuyên, cân bằng giữa các cơ quan trong cơ thể, thay đổi động tác tập, tập vừa sức, phù hợp với từng lứa tuổi...".

AloBacsi.vn
Theo Hoa Lài - Phụ nữ online
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]