Thủ phạm gây gan nhiễm mỡ

Người bị gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ như xơ gan, thậm chí là ung thư gan...

15.5669
Nhiễm mỡ ở gan kéo dài làm tế bào gan bị hủy hoại, chức năng gan suy giảm
 
Không chỉ người béo phì mới bị gan nhiễm mỡ
 
Gan nhiễm mỡ (GNM) có thể là một hậu quả của rất nhiều bệnh, bao gồm nghiện rượu, các bệnh về chuyển hóa, các rối loạn về dinh dưỡng, tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc.
 
Không nhất thiết phải là những người béo phì mới bị GMN. GNM còn hay gặp ở những người ăn chay, ăn uống đạm bạc, suy dinh dưỡng lâu ngày, thiếu các vitamin và protein để tạo thành các chất chuyển hóa cần thiết giúp đưa chất mỡ ra khỏi gan.
 
Tình trạng nhiễm mỡ ở gan xảy ra từ từ, do đó bệnh có thể giữ nguyên trong nhiều năm hoặc đột nhiên tiến triển thành xơ gan với hậu quả khó tránh khỏi là tử vong. GNM mức độ nhẹ (hàm lượng mỡ chiếm 5 -10% trọng lượng gan) có thể không có triệu chứng lâm sàng mà người bệnh tự cảm thấy được.
 
Còn mức độ vừa hay nặng (hàm lượng mỡ 10-30%) sẽ có những biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, nôn, trướng bụng. Những người ở thể nặng còn bị chứng vàng da, cổ trướng. Và khi được làm các xét nghiệm máu thì các chỉ số chức năng gan như aminotransferase và alkaline phosphatase huyết thanh tăng nhẹ.
 
Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện khi người bệnh được xét nghiệm máu, siêu âm hay sinh thiết tế bào gan; hoặc chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, người bệnh có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan do bao gan căng ra.
 
GNM cấp do ăn uống quá tải hay gây đau tức vùng gan, lượng mỡ máu cao. Những người nghiện rượu có thể bị GNM cấp sau một bữa nhậu quá chén, thường đau vùng thượng vị phải cùng với các dấu hiệu đau do tắc mật.
 
Nếu bị GNM cấp (thường gặp khi thai nghén) kèm theo vàng da và suy gan sẽ có biểu hiện rối loạn tâm thần, xét nghiệm thấy men gan và bilirubin tăng.
 
 Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan

Lựa chọn biện pháp phòng ngừa

Từ bỏ các chất kích thích: Cách điều trị chủ yếu mà các bác sĩ đang thực hiện là khuyên người bệnh nên có một chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Rượu, bia và thuốc lá đều tác động đến quá trình chuyển hóa, có thể làm rối loạn chuyển hóa chất mỡ trong cơ thể và gây ra tình trạng GNM.
 
Ở các trường hợp bệnh nhẹ, GNM có thể hồi phục hoặc không tiến triển mà không cần đến một loại thuốc nào nếu từ bỏ hoàn toàn các chất kích thích có hại.
 
Những thức ăn nào nên tránh?
 
Người mắc bệnh GNM thường đi kèm thừa cân, do đó những người này cần giảm ăn những chất ngọt và chất béo vì các chất này khi thừa sẽ chuyển đổi thành mỡ dự trữ.
Cần hạn chế các loại thức ăn nhanh (fast-food). Khi chế biến thức ăn, hạn chế món chiên xào, thay bằng những món nướng, luộc. Ăn uống hợp lý, không nên chỉ ăn một loại thức ăn nào đó để phòng ngừa thiếu dưỡng chất.
 
Cần tránh các loại thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, lòng gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phô mai và không nên ăn da các loại thịt heo, vịt, gà. Những loại thịt đã qua chế biến như lạp xường, xúc xích cũng không nên dùng vì có nhiều mỡ.
 
Không nên sử dụng các đồ ăn thức uống ngọt như bánh, kẹo, mật đường, mía, các loại nước ngọt... Tốt nhất nên uống nước lọc, nước khoáng hoặc nước trà vì những loại nước này không cung cấp thêm năng lượng.
 
Hiệu quả tốt từ rau, quả và tăng cường tập luyện: Người mắc bệnh GNM chỉ nên ăn thịt nạc. Ăn thêm các loại cá và hải sản nhưng tôm và cua biển thì không nên ăn quá 1 lần/tuần. Với món trứng, cũng chỉ nên ăn 2 quả/tuần.
 
 Nên ăn nhiều rau, trái cây và các loại thức ăn có chứa chất xơ, sợi như rau cải, gạo đỏ, khoai tây, cà rốt, ngũ cốc, các loại hạt, bánh mì đen. Các loại thức ăn không chứa năng lượng như tảo, rong biển, nấm cũng rất tốt với những người mắc bệnh GNM.
 
Giảm cân là biện pháp tốt để cải thiện gan nhiễm mỡ
 
Mục tiêu ban đầu nên làm giảm 10% cân nặng. Nên giảm từ từ khoảng 0,5 - 1kg mỗi tuần. Đừng vì lo lắng quá mà nôn nóng điều trị đến mức nhịn ăn.
 
Nhịn ăn thường xuyên sẽ làm cơ thể mệt mỏi và thường có xu hướng ăn bù vào những ngày tiếp theo. Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh cần vận động để giảm cân hiệu quả hơn bằng cách đi bộ, chạy bộ, bơi lội, thể dục thẩm mỹ... để tiêu bớt lượng mỡ thừa và tăng cường cơ bắp cho cơ thể.
 
Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu GNM nhưng nếu được chẩn đoán và có một số trị liệu thích hợp có thể giúp giảm tình trạng GNM, phục hồi tế bào gan...
 
 Vì vậy, mỗi người nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ và nếu thấy mình có những triệu chứng như đã nói ở trên thì cần làm xét nghiệm máu để có chẩn đoán chính xác, kịp thời phòng tránh và điều trị GNM.
 
 
Chất béo triglycerides là thủ phạm gây ra gan nhiễm mỡ
 
Trong hầu hết các trường hợp, chất béo ứ đọng trong gan chủ yếu là triglycerid, nhưng trong một vài trường hợp thì phospholipids chiếm đa số. Gan bình thường chứa khoảng 5g lipid cho mỗi 100g trọng lượng của gan, trong đó khoảng 14% là triglycerid, 64% là phospholipid, 8% cholesterol và 14% là các acid béo tự do. Trong gan nhiễm mỡ, lượng chất béo có thể chiếm đến 50% trọng lượng của gan, trong đó hơn một nửa là các triglycerid.

Lê Quang Ðức

 

Theo ThS. Trần Quốc Minh - Sức khỏe & Đời sống 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]