"Thực phẩm doping" - ám ảnh dai dẳng

Các phụ huynh có con cái trong độ tuổi trước và trong khi dậy thì đang hoang mang lo lắng về giải pháp đối phó với vấn nạn "thực phẩm doping".

15.6065
>
 
Trẻ em dậy thì sớm (DTS) do tổng hợp nhiều nguyên nhân

Hiện nay, vấn đề trẻ em DTS không còn mới ở Việt Nam. Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian gần đây đã tiếp nhận điều trị cho hơn 200 bệnh nhi DTS, hầu hết dưới 5 tuổi. Mặc dù người dân đã quen với việc độ tuổi dậy thì của trẻ ngày càng giảm dần, từ 13-14 tuổi xuống 10-12 tuổi, và 8-9 tuổi. Nhưng vấn đề đáng báo động là BV Nhi còn ghi nhận những trường hợp cá biệt, dưới 5 tuổi, thậm chí là dưới 2 tuổi, có biểu hiện DTS.

GS.TS Nguyễn Tài Lương, Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết: "Mặc dù tôi không trực tiếp nghiên cứu, không đưa ra được con số cụ thể về số trẻ em Việt Nam ăn thực phẩm có chứa các hormone sinh trưởng, chất kích thích tăng trọng bị DTS, nhưng qua những suy luận logic và kinh nghiệm có được thì tôi dám khẳng định điều này là có thể. Bởi vì người lớn đã phát triển đầy đủ khi ăn phải các dư chất kháng sinh còn bị biến đổi giới tính, như nữ biến thành nam, nam biến thành nữ, thì trẻ em lại càng dễ bị tác động hơn".
 
Trong máu người sẵn có các hormone sinh trưởng và quyết định đến giới tính, với những liều lượng nhất định và sự phát triển tuân theo một quá trình… Chẳng hạn như quá trình sinh tổng hợp ở các em nam thường thấp hơn em nữ, vì hàm lượng testosteron (hormone sinh dục nam) ở nữ thấp hơn nam 10 lần. Khi thịt có chứa các hormone sinh trưởng và các chất trên thì trẻ con ăn vào sẽ có những ảnh hưởng nhất định, kích thích việc phát triển sớm.
 
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Tài Lương cũng cho rằng, "thực phẩm doping" có ảnh hưởng đến hiện tượng DTS ở trẻ em, nhưng nguyên nhân các cháu DTS không chỉ ở mỗi thực phẩm, mà còn là do phim ảnh, chơi độc hại…
 
"Tôi đã chấm nhiều luận án thạc sỹ của học viên cao học Khoa Sinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nghiên cứu về chỉ số sinh học của học sinh phổ thông thành thị và nông thôn ở Hà Nội và các vùng lân cận. Các kết quả nghiên cứu cho thấy số học sinh ở thành thị DTS hơn so với ở nông thôn. Điều đó chứng tỏ môi trường sống, chất lượng sống với sự phát triển của các yếu tố văn hóa tinh thần cũng ảnh hưởng mạnh đến việc DTS", GS Lương nói.

Còn ThS Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Ngày nay điều kiện sống được nâng cao, chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng, cùng với việc lạm dụng nhiều thuốc bổ, lười vận động cũng có tác dụng "đánh thức sớm" chức năng giới tính ở trẻ. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho trẻ em đọc truyện, xem phim người lớn, chơi những game bạo lực, tình cảm sẽ kích thích sự hoạt động của tuyến nội tiết và tạo ra những thay đổi bất thường trong tâm sinh lý, gây nên hiện tượng DTS…

Không nên hoang mang trước thực phẩm gây DTS

Từ những phân tích về nguyên nhân gây DTS ở trẻ, các phụ huynh tỏ ra "đau đầu" nhất với vấn nạn "thực phẩm doping". Bởi lẽ yếu tố điều kiện sống có thể thay đổi bằng nhận thức của phụ huynh, yếu tố môi trường sống có thể khắc phục qua cách phối kết hợp giáo dục của gia đình và nhà trường…, chứ vấn đề dinh dưỡng xem ra là "bài toán" khó khăn nhất.

Độc giả Nguyễn Thị Ngọc Yến, ở Nguyễn Chí Thanh (Láng Hạ, Hà Nội) bày tỏ: "Lâu nay cho con ăn uống "thả phanh", chỉ mong con lớn nhanh, khỏe mạnh mà không nghĩ đến chuyện con có thể DTS một cách bất thường. Nói thật là người mẹ nào chẳng mong tốt cho con, nhưng lại không hiểu biết nhiều, chỉ nghe thông tin tư vấn qua quảng cáo, qua chợ búa, hàng xóm… nên đôi khi hơi xem nhẹ vấn đề "thực phẩm doping".
 
Chị Yến cho biết khi đọc và hiểu tác hại của việc dậy thì sớm, chị cũng tự ngẫm lại và nhận thấy nhiều triệu chứng y hệt con trai mình. "Con trai tôi dậy thì ở tuổi 12, chưa phải là quá báo động, nhưng cháu cũng có biểu hiệu tiêu cực như: lo sợ, xấu hổ, đóng chặt cửa nhà tắm, thái độ bất thường…".

Có lẽ, từ nay tôi sẽ hạn chế các cháu ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là các loại "thịt bẩn". Tuy nhiên khi được hỏi về cách nhận biết thịt bẩn thì chị cũng đành phó thác cho… may rủi.

Anh Hồ Minh Thụy (47 tuổi), ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội lại cho rằng, DTS là vấn đề mà vợ chồng anh quan tâm bấy lâu nay, vì anh chị cũng bắt gặp nhiều hiện tượng DTS ở một số gia đình xung quanh, con cái bạn bè, đồng nghiệp…
 
"Theo tôi, các nguyên nhân trẻ DTS do xem phim, chơi game thì từ gia đình cho đến nhà trường phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, và tôi nghĩ là cũng sẽ làm được. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo nhất là thực phẩm bẩn gây DTS chưa có giải pháp cụ thể. Hậu quả thì rõ ràng bài báo phân tích kỹ, nhưng cách giải quyết, xem ra còn chưa thỏa đáng" - anh nhấn mạnh thêm.

Hằng ngày gia đình anh Thụy vẫn ăn các loại thịt, đặc biệt thịt lợn mà không biết được liệu có "chất doping" hay không. "Vậy qua bài báo này, tôi đề nghị Nhà nước, cụ thể hơn là Bộ Y tế, Cục VSATTP và các cơ quan liên quan cần vào cuộc, có các biện pháp cụ thể, hữu hiệu để xử lý vấn nạn thực phẩm doping".

Theo bà Hồ Thị Thảo (65 tuổi), ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội , "Thực phẩm dopping" gây bệnh cho người lớn đã là hiểm họa, đằng này còn gây DTS ở trẻ thì đúng là đại họa, vì con trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước. Mong rằng Nhà nước mình sẽ quản lý và "xóa sổ" được hiện tượng "thực phẩm dopping" để người dân không phải sống trong nơm nớp lo sợ…

Bà Thảo cũng kể về việc gia đình bà mua thực phẩm từ các nơi khác, hiện đang khá phổ biến ở nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế: "Bản thân chúng tôi chỉ là dân thường, không có giải pháp nào hết, chỉ biết tránh bằng cách gửi mua thịt sạch ở quê như lợn thả rông, gà đi bộ… tuy nhiên đây cũng chỉ là những liệu pháp tạm thời".

Là GS đầu ngành về sinh học và từng có đề tài nghiên cứu về thực phẩm sạch nhưng GS.TS Nguyễn Tài Lương cũng phải thú thực là ông "không có cách nào để chọn mua thịt lợn sạch" khi thịt đã được bày bán ở chợ. Thức ăn hằng ngày được bà nhà lựa chọn theo cảm tính, "có điều hôm nào ăn phải thịt có hormone tăng trọng hay dư chất kháng sinh thì tôi nhận ra ngay".

Về giải pháp để trẻ không bị DTS do thực phẩm, GS Lương khuyến nghị nên cho trẻ ăn ít thịt gia súc và tăng lượng cá, đặc biệt là cá biển, bởi vì thịt lợn không chỉ có các chất "doping" mà còn có nhiều dịch bệnh. Trong cá còn có omega 3, các chất protein dễ hấp thu hơn thịt…
 
Theo CAND
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]