Thực phẩm kỵ nhau không gây ung thư

Giadinh.net - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội) đều khẳng định những tờ rơi có nội dung về các loại thức ăn kỵ nhau gây chết người, gây ung thư là thiếu khoa học và không chính xác.

0

Mạo danh đồn nhảm

Trước đó, người dân Hà Nội chuyền tay nhau những nội dung về các món ăn kỵ nhau, nếu ăn phải sẽ gây chết người, ung thư. Nội dung của thông tin này mạo danh Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư kết hợp với Trung tâm chống độc BV Bạch Mai nghiên cứu. Nhưng, hai cơ quan này đã phủ nhận và cho rằng, những thông tin về các món ăn kỵ nhau gây chết người và ung thư là thiếu căn cứ khoa học.

Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng thì thông tin về  nhiều loại thực phẩm khi kết hợp với nhau gây chết người, gây ung thư, hoặc tạo chất độc bảng A, như: “ba ba + rau dền -> chết người”, “ba ba + rau sam -> đau bụng”, “cà chua + khoai tây -> ung thư”, “gan + giá đỗ -> ung thư”... là những thông tin không chính xác. Ý kiến của Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cũng cho rằng, nội dung các tờ rơi này là thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy, người dân hãy thận trọng khi nhận được những tờ rơi như vậy. 

Viện Dinh dưỡng cũng đã đưa ra 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý cho người dân, trong đó rất chú trọng đến việc ăn đa dạng các loại thực phẩm, từ 10-15 loại/ngày (người Nhật ăn đến 20 loại thực phẩm/ngày). Cũng theo TS Lâm, việc phối hợp thực phẩm với nhau sẽ rất tốt. Vì các loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng khác nhau, sẽ bổ sung các chất dinh dưỡng.

Cần cẩn trọng trong ăn uống

Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, có một số loại thực phẩm nấu chung không gây ngộ độc nhưng nên kiêng ăn cùng nhau. Bởi, theo TS Lâm thì có một số loại thực phẩm cạnh tranh dinh dưỡng với nhau. Ví dụ, thực phẩm giàu canxi phối hợp với sắt (Fe) sẽ làm giảm sự hấp thu. Hoặc sau khi ăn không nên uống nước chè đặc, vì chất tanin trong chè sẽ giảm hấp thu Fe. Ăn mặn sẽ giảm hấp thu kali, ăn thừa đạm sẽ chuyển hoá canxi ra ngoài...

Những khuyến cáo này chỉ nhằm hướng dẫn một cách ăn hợp lý, khoa học. “Việc thực phẩm khi kết hợp gây ngộ độc, chỉ có thể là do ăn thực phẩm không đảm bảo. Chẳng hạn, trứng nấu canh đã bị dập, thối chắc chắn sẽ gây ngộ độc, ăn thịt chó nhiều đạm gây rối loạn tiêu hoá... thì lại đổ cho là do thức ăn kỵ nhau. Đây là những thông tin sai lệch, người dân không nên theo” - TS Lâm nhấn mạnh.

TS Lâm cũng khuyến cáo, không nên khuyến khích trẻ ăn các loại thức ăn nhanh. Vì đó là những thực phẩm nhiều béo, nhiều đường, mất cân đối do thiếu rau xanh, quả chín. Trẻ em ăn nhiều loại thức ăn này rất dễ thừa cân, béo phì, táo bón...

Tâm Phong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]