Thuốc mới điều trị các bệnh dị ứng ở trẻ em

Histamin là một hoạt chất trung gian được giải phóng với số lượng lớn trong các phản ứng dị ứng cấp tính. Khi gắn vào các thụ cảm thể H1 trên đường thở, não, thành mạch máu, đường tiêu hóa và một số loại tế bào, histamin có thể gây ra nhiều triệu chứng dị ứng khác nhau như mày đay, phù mạch, co thắt phế quản, tụt huyết áp...

0

Histamin là một hoạt chất trung gian được giải phóng với số lượng lớn trong các phản ứng dị ứng cấp tính. Khi gắn vào các thụ cảm thể H1 trên đường thở, não, thành mạch máu, đường tiêu hóa và một số loại tế bào, histamin có thể gây ra nhiều triệu chứng dị ứng khác nhau như mày đay, phù mạch, co thắt phế quản, tụt huyết áp... Thuốc kháng histamin bao gồm thế hệ thứ nhất (nhiều tác dụng phụ) và thế hệ thứ hai. Hiện nay người ta thường sử dụng kháng histamin thế hệ thứ hai.

Các thuốc kháng H1 thế hệ 2 dùng ở trẻ em

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em.

Cetirizin: Mặc dù cetirizin là một thuốc kháng H1 thế hệ 2 nhưng vẫn có thể ít nhiều có tác dụng an thần ở một số bệnh nhân. Thuốc không chuyển hóa qua gan nên có tác dụng nhanh và ít tương tác với các thuốc khác. Cetirizin là một trong những thuốc kháng H1 có tác dụng tốt nhất để dự phòng các phản ứng dị ứng ngoài da. Bên cạnh tác dụng kháng histamin, cetirizin còn chống dị ứng thông qua nhiều cơ chế khác như giảm số lượng bạch cầu ái toan ở tổ chức da, ức chế phản ứng viêm muộn. Thuốc có thể được sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.

Loratidine: Là một trong những thuốc kháng H1 được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và có thể mua không cần đơn. Thuốc được chuyển hóa qua gan bởi hệ thống men cytochrome P450 và có tác dụng chậm hơn một chút so với các thuốc kháng H1 thế hệ 2 khác.

Fexofenadin: Là sản phẩm chuyển hóa có hoạt tính của terfenadin, thuốc có tác dụng kéo dài và rất ít gây buồn ngủ. Thuốc không được chuyển hóa qua gan nên rất ít tương tác với các thuốc khác. Thuốc có thể được sử dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Desloratidin: Là một chất chuyển hóa cơ bản của loratidin, thuốc rất ít có tác dụng an thần và có tác dụng tốt trong nhiều bệnh dị ứng khác nhau. Desloratidin không chuyển hóa qua gan nên cũng ít có nguy cơ gây tương tác thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp

Nói chung, các thuốc kháng H1 thế hệ 2 có tác dụng tương đối chọn lọc nên ít có các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc kháng H1 thế hệ 1 như gây buồn ngủ, khô miệng, tăng cân... Terfenadin và astemizol là 2 thuốc kháng H1 thế hệ 2 đầu tiên được đưa vào sử dụng, nhưng do có tác dụng độc với tim (gây xoắn đỉnh và kéo dài khoảng QT) nên đã bị rút khỏi thị trường. Các tác dụng phụ này xảy ra chủ yếu khi terfenadin và astemizol được sử dụng đồng thời với các kháng sinh macrolide và một số thuốc chống nấm. Độc tính này không được ghi nhận với các thuốc kháng H1 thế hệ 2 khác. Nói chung, rất ít tác dụng phụ được ghi nhận sau dùng các thuốc kháng H1 thế hệ 2 ở liều điều trị thông thường, đặc biệt là ở trẻ em. Hầu hết các báo cáo về tác dụng phụ của thuốc kháng H1 thế hệ 2 được ghi nhận trong các trường hợp bị ngộ độc thuốc.

Chỉ định điều trị

Viêm mũi dị ứng: Bệnh xảy ra ở khoảng 30% trẻ trong tuổi vị thành niên và là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ phải nghỉ học. Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm. Các thuốc kháng H1 thế hệ 2 được chứng minh là có hiệu quả và an toàn trong việc kiểm soát các triệu chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ em như ngứa mũi, chảy nước mũi, nước mắt. Các nghiên cứu cũng cho thấy, dùng phối hợp các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 với các thuốc co mạch như pseudoephedrin giúp tăng hiệu quả của các thuốc này trong điều trị triệu chứng nghẹt mũi. Một số thuốc kháng H1 thế hệ 2 có thể được dùng để nhỏ mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng, tác dụng nhanh hơn nhưng cũng ngắn hơn so với đường uống.

Chàm cơ địa và mày đay: Trước đây người ta cho rằng các thuốc kháng H1 thế hệ 1 sẽ có tác dụng giảm ngứa tốt hơn thế hệ 2 trong điều trị chàm cơ địa và mày đay do có tác dụng an thần. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã cho thấy hiệu quả rất tốt của các thuốc kháng H1 thế hệ 2 trong việc kiểm soát các triệu chứng của 2 bệnh này như giảm ngứa, giảm lichen hóa, giảm số lượng và kích thước ban đỏ. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy, ở những trẻ em bị chàm cơ địa dị ứng và có dị ứng với các dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa, việc điều trị kéo dài với các thuốc kháng H1 thế hệ 2 như cetirizin có thể giúp giảm nguy cơ mắc hen phế quản.

Viêm kết mạc dị ứng: Các kháng H1 thế hệ 2 có hiệu quả tốt với các triệu chứng ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt, cải thiện được chất lượng cuộc sống. Các chế phẩm nhỏ mắt thường khởi phát tác dụng nhanh hơn so với đường uống nhưng thời gian tác dụng cũng ngắn hơn.

Ngoài ra, các thuốc kháng H1 thế hệ 2 còn được sử dụng trong một số biểu hiện dị ứng khác ở trẻ em như phản ứng dị ứng do côn trùng đốt, sốc phản vệ, bệnh lý tăng tế bào mắt...          

 

Theo Suckhoedoisong

15.5785--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]