Tìm mọi cách bắt, diệt cá dữ

Dân trí Xác định ban đầu cho thấy loại cá cắn người trên bãi biển Quy Nhơn không phải là cá độc. Dù vậy sẽ bằng mọi cách bắt cho được loại cá này, không để tình trạng nay cắn người này, mai cắn người kia, gây lo sợ cho du khách.

15.5995

Từ hồi tháng 7/2009 đã rộ lên thông tin cá dữ liên tục tấn công người ở bãi biển Quy Nhơn với trên 20 người bị thương ở tay chân, thậm chí ở họng. Mới đây lại có thông tin có 3 người dân tắm biển bị cá cắn phải nhập viện trong một ngày (9/1). UBND TP Quy Nhơn bắt đầu vào cuộc tìm hiểu thực hư.

 


Xôn xao tìm cách bắt loài cá lạ cắn người.
 
Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 11/1, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch TP Quy Nhơn, cho biết: “Địa phương và các ban ngành liên quan đã kết hợp với Viện Hải Dương học Nha Trang khảo sát, nắm thực tế để có kết quả báo cấp trên xin hướng xử lý kịp thời. Ngày mai (12/1 - PV), UBND thành phố sẽ mời các hội ngư dân đánh cá lâu năm ở các phường Hải Cảng, Trần Phú lên để đề ra những giải pháp bắt cá dữ trước mắt và lâu dài. Bằng mọi cách sẽ bắt cho được cá dữ, diệt cho hết để tránh tình trạng nay cắn người này, mai cắn người kia”.

 

Phó Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang cho biết là đã xác định được vết thương là do cá cắn, còn kích thước, loài cá và giải pháp trước mắt thì cần có thêm thời gian.

 

Ông Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nông lâm thủy sản cho biết: Biện pháp trước mắt là sẽ cho lực lượng chuyên ngành tuần tra tại khu vực biển có cá dữ để đề phòng, ứng cứu trước mắt nếu trường hợp cá cắn người tiếp diễn. Sau khi xác định được loài cá và số lượng thì Chi cục sẽ có biện pháp cứng rắn hơn.

 

Cho đến chiều tối ngày 11/1, bãi biển đẹp nhất Quy Nhơn vẫn rất hấp dẫn song số người tới tắm biển đã giảm hẳn.
 

Bãi biển Quy Nhơn mấy ngày nay vắng hẳn du khách

 

Ngư dân làm biển lâu năm nơi đây cũng đang xôn xao tìm cách bắt cá dữ. “Chỉ cần với hai cách là dùng tông xăm cá (loại tông có đầu nhọn bằng thép trắng được nối với cây chông, hình dạng mũi tên bắn nỏ - PV) và câu Bò Gù treo mồi và nhử nó. Theo kinh nghiệp bắt cá mập từ trước tới nay thì đấy chính là một loại cá mập nhỏ hoặc họ của cá mập, đánh bắt nó không đến nỗi phức tạp. Nếu địa phương có giải thưởng chúng tôi sẽ ra tay là hốt nó về liền”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, một ngư dân ở phường Trần Phú cho biết.
 
Một số ngư dân địa phương cũng cho biết những năm gần đây, thỉnh thoảng họ câu được cá nhám (một loại cá dữ thuộc họ cá mập), nặng chừng 10-20kg ở khu vực phía cuối bãi tắm Quy Nhơn, giáp Ghềnh Ráng. Họ đoán chính loài cá này đã tấn công nhiều người tắm biển.
 

Ngày 9/1, bệnh nhân Mang Đức Hạnh nhập viện trong trạng thái cẳng tay bị toác nham nhở và đứt động mạch, đứt gân gây chảy máu rất nhiều. Nguyên nhân là do anh Hạnh bị cá cắn 2 lần ở khu vực biển Công viên Thiếu nhi TP Quy Nhơn (Bình Định).

 

Cũng trong ngày 9/1, tại bãi biển Hải Âu thuộc khu vực Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), anh Nguyễn Minh Tuân bị cá tấn công vào cánh tay trái. Theo lời anh Tuân thì con cá này có màu xám, da nhám, khoảng từ 20 - 30 kg. Tại bệnh viện, anh Tuân được các bác sĩ phẫu thuật trong gần 2 giờ đồng hồ để thắt động mạch cầm máu, khâu vết thương, vết dài nhất hơn 10cm. Bác sĩ cho biết anh Tuân phải điều trị ít nhất 10 ngày mới có thể ra viện. 

 

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Hạnh, khoa ngoại Bệnh viện quân y 13 cho biết chỉ trong mấy ngày đầu năm 2010, bệnh viện đã tiếp nhận 3 ca bệnh bị cá cắn khi tắm biển. Thống kê cả năm 2009 thì có đến gần 20 ca bị cá cắn. Hầu hết những người này cho biết họ bị cá tấn công ở khu vực biển đẹp nhất Quy Nhơn (từ công viên thiếu nhi đến khách sạn Hoàng Yến).

 

Ông Trịnh Văn Thắng, một người làm biển lâu năm tại vùng biển Hải Âu, cho biết: “Không biết đó là loài cá gì nhưng chúng chỉ xuất hiện gần bờ vào những lúc có thời tiết xấu, nước đục và có mưa. Những loài cá cắn người này trước đây không bao giờ xuất hiện, đã có lúc tui nhìn thấy nó, nặng khoảng 30-50kg, màu xám, hình dạng giống y cá mập. Tốt hơn hết là bà con đừng ra tắm biển khi có thời tiết xấu”.

 

Hà Khê

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]