'Tôi đang tự hành hạ mình vì cách làm 'mới' mình'

Ngày 10/12, Hội Nhạc sĩ VN tổ chức Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc 2004. Nhạc sĩ An Thuyên - người "ẵm" liền một lúc ba giải và đứng đầu danh sách giải nhất và nhì ở mảng ca khúc đã tâm sự về tình hình âm nhạc hiện nay.

15.6046

Nhạc sĩ An Thuyên.

- Giải năm nay có một sự "hoán đổi" khá thú vị. Nguyễn Cường viết về mảng đề tài miền núi phía Bắc, còn anh tìm về chất liệu Tây Nguyên với "Đi tìm bóng núi" (đoạt giải Nhất). Các anh đang "làm mới" mình?

- Mới hay không thì chưa biết. Nhưng điều tôi thấy vui là bài thơ Đi tìm bóng núi của Dương Thuần được phổ nhạc thành... năm bài. Bài tôi công bố là bài thứ năm. Tôi đang tự hành hạ mình vì cái gọi là "làm mới" mỗi khi ngồi vẽ "nhăng cuội" trên máy vi tính. May mà trời cũng thương. Ngoài những tác phẩm đã viết mang âm hưởng dân ca miền Trung, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ; về đề tài người lính, người mẹ, về quê hương đất nước, về tình yêu..., tôi đang thể nghiệm, học hỏi văn hóa một số vùng miền để chuyển tiếp đề tài khác.

Ca khúc của Nguyễn Cường cùng đoạt giải Nhất cũng mang âm hưởng Tây Nguyên. Điều đó không có nghĩa tôi viết về Tây Nguyên bằng Nguyễn Cường. Nhưng tôi đã có cái riêng của tôi rồi đấy... Tôi muốn nói rằng, bài thơ hay của Dương Thuần đã chắp cánh cho âm nhạc của tôi.

- Còn với "Trước tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay", bằng những giai điệu mang mầu sắc ca trù, anh muốn gửi gắm điều gì?

- Bài này nằm trong chùm 11 ca khúc mang âm hưởng dân gian đồng bằng Bắc Bộ tôi viết trong mấy năm trở lại đây. Ở đây, Phật Bà vừa là đề tài gợi mở, vừa là điểm xuất phát để nghệ sĩ chia sẻ một phần khổ đau của nhân loại. Tôi muốn góp một lời nhỏ nguyện cầu cho con người được "nghìn lần hạnh phúc, nghìn lần ấm no", "không còn khổ đau, không còn đắng cay"...

- Giải của Hội vẫn còn xa cách với đời sống âm nhạc, nhiều người cho rằng vì "gu" thưởng thức của giới trẻ bây giờ chủ yếu là nhạc thị trường. Anh nghĩ sao?

- Hiểu như vậy chưa đúng. Bây giờ hình thành nhiều lớp công chúng nghe nhạc và nhiều "gu" thưởng thức khác nhau. Ngay trong lớp trẻ cũng phân chia nhiều nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Tôi đơn cử như NSND Thu Hiền chuyên biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống mà mấy năm thực hiện được 13 album, bán "chạy" hẳn hoi. Tôi bảo đảm các hãng sản xuất kinh doanh đã không nhầm lẫn, và giới trẻ cũng rất thích giọng hát của chị.

Nhiều nhạc sĩ viết nhạc chính thống, thanh niên vẫn hát bài hát của họ và coi họ là thần tượng. Nhạc thị trường không xấu. Người soạn nhạc cho thị trường không xấu. Chỉ có người làm âm nhạc, kinh doanh và đề cao âm nhạc rẻ tiền, không lành mạnh, rồi tìm mọi cách để có lợi nhuận, phi nghệ thuật, bất chấp đạo đức, chà đạp lên thuần phong mỹ tục của dân tộc mới phải lên án và không thể có đất sống trong một truyền thống văn hóa đẹp đẽ VN. Là người làm nghề, tôi tin đại đa số công chúng yêu nhạc của ta rất sáng suốt để phân định cái hay, cái dở của đời sống âm nhạc hiện nay.

Có nhiều ý kiến đề xuất giải của Hội cũng cần mở rộng cửa cho nhạc thị trường và các tác giả trẻ chưa phải là hội viên, anh nghĩ thế nào?

- Tôi có thể mạn phép nói ngay: đây cũng là ý nguyện của ban lãnh đạo Hội. Từ ông Tổng thư ký cho tới các thành viên trong Ban chấp hành đã bàn bạc nhiều lần để tìm những giải pháp hợp lý, rồi còn đệ trình tên trên. Tôi tin là sẽ được ủng hộ. Như thế là sự tập hợp cần thiết. Như thế mới thật đúng nghĩa là giải thưởng âm nhạc quốc gia.

(Theo Thể Thao Văn Hóa

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]