Trật khớp háng bẩm sinh: Trẻ sinh non có nguy cơ mắc cao hơn

Trật khớp háng bẩm sinh là dị tật chiếm 1/800 ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ nên nắm kỹ các dấu hiện của bệnh để đưa bé đi điều trị sớm, kết quả thành công sẽ cao hơn.

15.6028

Không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc trật khớp háng sẽ để lại nhiều hệ lụy sau này cho bé nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Coi chừng tiếng động “lạ”

Trật khớp háng bẩm sinh là khi phần trên cùng của xương đùi không khớp hoàn toàn vào ổ khớp của xương chậu, hoặc nằm trật bên ngoài ổ khớp. Dị tật này có thể xuất hiện ở bên đùi trái hoặc đùi phải, ít khi xuất hiện ở cả hai đùi. Bé gái có tỷ lệ mắc là 1/600 trong khi đó bé trai hiếm hơn, khoảng 1/3.000. 

Để nhận biết trẻ bị trật khớp háng thì khi kéo duỗi đùi trẻ có tiếng rắc rắc. Sau tuổi sơ sinh, đùi bị kéo cao trên ổ khớp dẫn đến trật khớp hoàn toàn, làm cho phần chân của phía bị trật khớp ngắn hơn chân còn lại, nếp mông 2 bên cũng không đều, bên bị trật khớp sẽ cao hơn, hai đầu gối cũng không cân xứng. Điều này khiến bé đi lại bị khập khiễng.

Dị tật dễ kéo theo vấn đề về vẹo cột sống, lệch khung chậu, thoái hóa khớp… Với bé gái sau này sẽ khiến việc mang thai và sinh con bị ảnh hưởng  bởi khung xương chậu bị lệch.

Thường gặp ở trẻ sinh non

Các nghiên cứu cho thấy trẻ sinh non có tỷ lệ bị trật khớp háng cao hơn. Nguyên nhân có thể là trong quá trình sinh trẻ đã bị chấn thương hoặc khi ở trong bụng mẹ vị trí của thai nhi không được bình thường. Việc giảm nội tiết  tố ở người mẹ khi mang thai, mẹ bị nhiễm trùng, loạn sản nguyên phát ổ cối cũng gây nguy cơ cho trẻ. Những gia đình có người bị mắc dị tật này thì trẻ có thể bị di truyền.

Tình trạng này cũng có thể do trẻ bị đột biến nhiễm sắc thể khiến cứng đa khớp bẩm sinh như cứng khớp vai, cứng khớp khuỷu… Cũng nhiều trường hợp khác không rõ nguyên nhân.

Nẹp, quấn tã, bó bộ giúp xương đùi về đúng vị trí

Trong 6 tháng đầu đời, nếu trẻ được phát hiện bệnh thì quá trình điều trị sẽ đơn giản. Thời gian điều trị chỉ từ 1,5 - 2 tháng sẽ đạt được kết quả tốt với khoảng 95% số ca thành công.

Trong quá trình nẹp chân cho bé, nhiều bố mẹ vì thương con khó chịu mà thỉnh thoảng lại tháo ra cho bé thư giãn. Điều này là không nên, vì sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị.

Khi phát hiện trẻ bị dị tật ngay sau khi sinh thì việc điều trị chỉ cần duy trì vị trí khớp háng của bé ở tư thế co gối lên và dạng ra phía ngoài trong 2 tháng bằng nẹp hoặc quấn nhiều lớp tã dày. Ở vị trí này, mỏm xương đùi và ở khớp của bé sẽ được ổn định và thúc đẩy phát triển bình thường. Duy trì việc điều trị cho đến khi xương đùi đã nằm đúng vị trí của nó, tức trong ổ khớp.

Với những trường hợp trẻ bị dị tật từ 1 tới 6 tháng tuổi mới phát hiện và điều trị thì cũng thực hiện theo cách trên. Sau 3 đến 4 tuần xương đùi sẽ trở lại vị trí bình thường, duy trì cho đến khi có kết quả tốt nhất.

Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi thì có thể điều trị bằng bó bột hoặc phẫu thuật. Thời gian bó bột từ 2 đến 4 tháng, phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ trật khớp ở trẻ.

Luôn bên cạnh trẻ

Trong khoảng thời gian mang nẹp hoặc bó bột, bé sẽ khó chịu, bố mẹ nên ở bên dỗ dành bé, cho bé nằm và ngồi đúng tư thế.

Đối với những bé mang nẹp hay quấn tã thì phải mang thường xuyên, chỉ tháo ra khi tắm. Nếu bé bó bột thì phải thay bột mỗi tháng một lần. Khi bé ngủ, vẫn giữ chân ở đúng tư thế nẹp, nên giúp trẻ trở người 2 giờ/lần vào ban ngày và 4 giờ/lần vào ban đêm.

Trong quá trình chữa trị cho trẻ, cần cảnh giác với những biểu hiện trẻ bị sốt, vì rất có thể trẻ bị nhiễm trùng. Tái khám đúng định kỳ để biết chính xác rằng việc điều trị đang đi đúng hướng.

Hãy đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ la khóc, đau nhiều, chán ăn hoặc phần da trên đùi bị đổi màu.

Sau khi cắt bột hoặc phẫu thuật, trong 3 năm đầu, trẻ cần được tái khám 6 tháng một lần và cho đến khi 6 tuổi mới ngừng. Sau đó cứ 3 năm lại tái khám cho trẻ đến khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành mới ngưng toàn bộ quá trình điều trị.

AloBacsi.vn
Theo Thanh Minh - Gia đình và Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]