Trẻ bị tiểu đường cần có máy đo đường huyết

Tuy được hướng dẫn tiêm thuốc tiểu đường 2 lần/ngày nhưng thấy con có vẻ đỡ, lại muốn tiết kiệm nên mẹ cháu Vinh (11 tuổi, Ninh Bình) đã giảm nửa liều. Thời gian sau, cháu được phát hiện có biến chứng mắt, nguyên nhân là không theo dõi để kiểm soát tốt đường máu.

15.5869

Nhiều loại máy đo đường huyết cá nhân đã có mặt tại VN. Ảnh:Lifescancanada

Trẻ em chiếm tới 10-15% tổng số bệnh nhân tiểu đường, chủ yếu là bệnh type 1, thể phụ thuộc insulin. Ở bệnh nhân tiểu đường type 1, tuyến tụy không có khả năng sản xuất insulin nên phải đưa hoóc môn này từ ngoài vào. Khi được chẩn đoán bệnh này, trẻ phải tiêm insulin suốt đời, ngày 2-3 lần để duy trì mức đường huyết lý tưởng.

"Nếu không được kiểm soát tốt đường máu, trẻ bị tiểu đường sẽ gặp nhiều biến chứng, phổ biến nhất là suy thận và mù lòa" - tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết. Ngay cả khi cảm thấy bình thường, trẻ có thể vẫn ở trong vùng đường huyết nguy hiểm. Vì vậy, theo bà Hoàn, những gia đình có trẻ mắc bệnh này phải đo đường huyết thường xuyên.

Ở nhiều trẻ, do cơ thể đã thích ứng với sự tăng giảm đường huyết nên có thể không bộc lộ triệu chứng khi sự thay đổi này xảy ra. Do đó, cha mẹ không biết để điều chỉnh chế độ điều trị, ăn uống, trong khi các cơ quan trong cơ thể đang bị hủy hoại. Đường huyết cao hay thấp đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não, nếu quá cao sẽ gây các biến chứng, làm trẻ sút cân, chậm lớn, thậm chí tử vong; nếu quá thấp sẽ làm yếu mệt, vã mồ hôi, hôn mê và cũng dẫn đến tử vong. Các nghiên cứu cho thấy, nếu cơ thể sống trong vùng đường huyết nguy hiểm, nguy cơ biến chứng mắt là hơn 60%, biến chứng thận 20-30%.

"Bởi vậy, các phụ huynh của trẻ bị tiểu đường cần biết đến khái niệm vùng đường huyết an toàn để bảo vệ con" - tiến sĩ Hoàn nói. Đường huyết được coi là an toàn khi ở mức 4-7 mmol/l khi đói, 5-11 mmol/l sau ăn 1-2 giờ. Mức đường huyết rất dễ dao động theo chế độ ăn uống, vận động và cả tâm lý của trẻ, vì vậy cần được theo dõi thường xuyên. Do không thể đến cơ sở y tế quá nhiều lần nên tốt nhất là các phụ huynh nên trang bị máy đo đường huyết cá nhân dùng ở nhà.

Theo tiến sĩ Hoàn, khoảng 1,7 triệu đồng cho một chiếc máy là một số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình, nhưng đây là khoản đầu tư cần thiết vì một khi có biến chứng, việc điều trị sẽ không thể giúp phục hồi, biến chứng sẽ tiến triển ngày càng nặng và chi phí điều trị sẽ vô cùng lớn.

Nên thử đường huyết 3-4 lần/ngày với những bệnh nhi đang ốm hoặc có nguy cơ biến chứng. Nếu bệnh của trẻ đã ổn định, nên thử cách ngày. Cần thử thường xuyên hơn khi nghi ngờ có tăng hay hạ đường huyết, khi thay đổi chế độ điều trị, chế độ ăn. Nếu thấy đường huyết thấp hơn ngưỡng an toàn, nên ăn thêm bánh kẹo, nước đường, sữa..., nếu đường huyết cao thì nên điều chỉnh chế độ ăn và liều tiêm insulin.

Thạc sĩ Vũ Chí Dũng, Phó trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền cho biết, nếu kiểm soát tốt, trẻ bị tiểu đường có thể sống hoàn toàn như bình thường. Trong số những thành viên câu lạc bộ tiểu đường của Bệnh viện nhi Trung ương, rất nhiều cháu là học sinh giỏi. Gần đây, một nữ bệnh nhân đã lập gia đình và sinh con. Nhìn cô gái xinh đẹp có nước da hồng hào này, ít ai biết cô đã mắc bệnh tiểu đường type 1 từ 10 năm nay, ngày nào cũng 2 lần tiêm thuốc. Mặc dù việc mang thai và sinh nở khá nguy hiểm đối với bệnh nhân tiểu đường nhưng nhờ kiểm soát tốt đường huyết, cả hai mẹ con đều rất khỏe mạnh.

Tuy nhiên, số trẻ được kiểm soát tốt đường huyết ở Việt Nam hiện nay không nhiều. Một khảo sát tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, 74% số bệnh nhi có biến chứng mắt và thận, một nửa trong số đó bị đồng thời cả 2 loại biến chứng này. Nguyên nhân là bố mẹ không nhận ra con mình đang ở mức đường huyết nguy hiểm nên đã không tuân thủ việc dùng thuốc hoặc không thay đổi chế độ điều trị khi cần thiết.

Theo ông Dũng, ngoài việc kiểm tra đường máu thường xuyên, trẻ bị tiểu đường cần được kiểm tra mắt và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các biến chứng. Hằng ngày, nên chăm sóc chân trẻ cẩn thận để tránh loét (không được đi chân đất, giày dép phải vừa chân, vệ sinh cẩn thận nhẹ nhàng...).

Theo giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, người sáng lập câu lạc bộ tiểu đường ở Bệnh viện Nhi Trung ương, căn bệnh này tiến triển âm thầm và khi đã xuất hiện triệu chứng (đái nhiều, sụt cân, uống nhiều...) thì bệnh đã nặng. Do đó, những trẻ có nguy cơ cao (ông bà hay bố mẹ có người bị tiểu đường) nên đi thử máu để phát hiện bệnh sớm nếu có.

Thanh Nhàn

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]