Trẻ bị viêm đường tiết niệu phải làm sao?

Trẻ bị viêm đường tiết niệu thường cảm thấy khó chịu, buốt tiểu, đi tiểu nhiều lần trong ngày... Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám bác sỹ sớm, tránh để quá lâu.

15.5995

Nguyên nhân

Viêm đường tiết niệu ở trẻ do vi khuẩn nhất là E.coli và một số ký sinh trùng (vi nấm) hoặc do virut.

Nguyên nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ khá phong phú. Do cấu tạo giải phẫu và sinh lý niệu đạo ngắn, lỗ tiểu gần với hậu môn nên bé gái dễ bị bệnh hơn bé trai. Hẹp bao quy đầu làm cho nước tiểu thường xuyên bị ứ lại cũng là một nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu ngược dòng ở những bé trai.

Thói quen sinh hoạt hàng ngày do bố mẹ cho bé mặc quần thủng đít hay đóng bỉm thường xuyên, không đúng cách cũng là một yếu tố nguy cơ làm cho trẻ bị nhiễm vi khuẩn đường tiết niệu.

Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ khi thấy những dấu hiệu đi tiểu buốt, sốt hay đi tiểu nhiều lần trong ngày (Ảnh minh họa)

Biểu hiện viêm đường tiết niệu ở trẻ em

Tuỳ theo độ tuổi, tuổi càng nhỏ thì triệu chứng viêm đường tiết niệu càng kín đáo, khó phát hiện. Trẻ có thể bị sốt nhẹ, sốt kéo dài, đôi khi sốt cao. Người ta thấy rằng có một tỷ lệ khoảng từ 10 - 15% số trẻ không sốt mà thân nhiệt lại giảm.

Trẻ có thể biếng ăn, kém chơi, hay quấy khóc, đôi khi có rối loạn tiêu hoá như nôn hoặc tiêu chảy. Đôi khi trẻ khóc khi tiểu bởi bị đau. Một số trẻ em trai lớn hơn có động tác sờ vào "chim" do khó chịu, đau khi đi tiểu.

Trẻ cũng có thể đái dắt, buốt, đi tiểu nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn nên một số trẻ bị viêm đường tiết niệu hay đi tiểu làm cho một số phụ huynh hoặc các cô bảo mẫu hiểu nhầm và đánh giá sai về hành vi của cháu. Trẻ càng lớn thì hiện tượng đái buốt, đái dắt càng rõ nét hơn do trẻ đã nhận biết được.

Nước tiểu của trẻ bị viêm đường tiểu có thể đục. Mức độ đục nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian bị viêm đường tiết niệu, nước tiểu được lấy để quan sát vào lúc nào trong ngày (nếu nước tiểu lấy vào lúc sáng sớm thì có thể thấy đục nhưng lấy nước tiểu vào buổi trưa hoặc chiều thì có thể không thấy).

Trẻ bị viêm đường tiết niệu cảm thấy khó chịu khi đi tiểu (Ảnh minh họa)

Phòng và điều trị bệnh

Một số nghiên cứu cho thấy ở những trẻ nhỏ và rất nhỏ, nếu có mùi nước tiểu hôi bất thường cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường tiết niệu. Tất nhiên, không phải trường hợp nào có mùi bất thường cũng là do bệnh này gây nên.

Tuy nhiên tốt nhất, bố mẹ nên quan tâm và giám sát. Vì ngay cả nếu không bị viêm đường tiết niệu, mùi hôi vẫn chỉ ra những trục trặc sức khỏe khác, đặc biệt nếu bé có kèm theo sốt.

Bố mẹ cũng cần tập thói quen cho trẻ đi tiểu tự chủ và không để trẻ đái dầm bằng cách trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ đi tiểu. Mỗi lần vệ sinh cho trẻ cần lau từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn vào lỗ tiểu, nhất là các bé gái.

Cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn thêm rau, hoa quả để tăng lượng nước giúp thận thường xuyên được lọc rửa và hệ bài tiết nước tiểu hoạt động hiệu quả hơn. Nếu có hiện tượng bất thường ở hệ tiết niệu, cần cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện, không nên chậm trễ dễ để lại biến chứng nguy hiểm dẫn đến suy thận.

Khi cần thiết phải lấy nước tiểu làm xét nghiệm vi sinh (nhuộm soi và nuôi cấy phân lập vi khuẩn). Qua xét nghiệm vi sinh có thể biết được trong nước tiểu có vi khuẩn hay vi nấm.

Xét nghiệm nước tiểu của trẻ nghi nhiễm khuẩn tiết niệu bằng phương pháp vi sinh, qua đó người ta còn làm kỹ thuật kháng sinh đồ để tìm kháng sinh thích hợp điều trị có hiệu quả nhất cho trẻ.

Người ta cũng có thể kiểm tra toàn bộ hệ thống đường tiết niệu bằng siêu âm và một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để góp phần chẩn đoán chính xác trẻ có bị viêm đường tiết niệu hay không.

Theo Song Ngư  - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]