Số người mắc ung thư vẫn không giảm

Danh sách người bị ung thư mới phát hiện và đang điều trị cứ nối dài qua từng năm. Số người chết vì bệnh ung thư, chết bất thường tính đến thời điểm hiện tại không thể thống kê hết. Chỉ tính riêng con số đang nằm trong danh sách điều trị bệnh ung thư lên tới cả chục người, chưa kể những người mới mất và những trường hợp trong diện nghi vấn. Đa phần những trường hợp này đều rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Trong số những người bị bệnh ung thư, trường hợp của chị Đặng Thị Lan (43 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả. “Cô ấy khổ lắm, bệnh tật hành hạ chết đi sống lại mấy lần mà chẳng biết ra đi lúc nào. Khổ nhất là vừa nuôi mẹ già, con nhỏ, giờ lại còn phải lo tiền thuốc thang, điều trị. Chúng tôi dù mang bệnh trong người nhưng còn có anh chị em, cô ấy chẳng có ai, một mình vật lộn với bệnh tật. Hoàn cảnh của cô ấy không nhắc đến thì thôi còn nhắc đến đúng là thương đến rơi nước mắt”, bà Vũ Thị Duyên - một người hàng xóm - cho biết.

Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp gia đình chị Lan nằm ở cuối con ngõ nhỏ. Nghe nói có khách, chị Lan cố gượng gạo ngồi dậy tiếp chuyện. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì đáng giá, ngoài mấy chiếc giường mẹ con, bà cháu kê nằm cạnh nhau. Cuộc sống bộn bề khó khăn, một mình chị vừa phải chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con nhỏ. Thế nhưng, nỗi bất hạnh chưa dừng lại đó.

Tháng 7.2013, chị bỗng thấy trong người khó chịu, đi khám ở bệnh viện thì được biết chị bị ung thư vú. Sau ca phẫu thuật với chi phí hàng chục triệu đồng vay mượn anh em, hàng xóm, những tưởng chị chỉ cần nghỉ ngơi cho hồi phục sức khỏe rồi tiếp tục cuộc sống sinh nhai. Nào ngờ, tháng 2.2014, thấy cơ thể có nhiều biểu hiện lạ, chị đi tái khám thì mới biết căn bệnh ung thư vú đã di căn lên phổi, mọi hy vọng tắt lịm.

Dù biết căn bệnh này khi đã di căn thì cũng chẳng được bao lâu nữa, nhưng vì con nhỏ, vì mẹ già, chị cứ phải gắng gượng chạy chữa. Số tiền vay anh em, hàng xóm, trước đã không có khả năng chi trả, giờ càng nhiều thêm. Còn nước còn tát, với hy vọng mong manh, kéo dài sự sống, chị đã bán cả phần ruộng của mình, nhưng tất cả cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Đến giờ, chị đã trải qua 3 đợt truyền hóa chất. Hôm chúng tôi đến, mái tóc xanh ngày nào giờ đã rụng hết, trọc hoáy.

Ngoài trường hợp của chị Lan, chúng tôi còn được người dân cung cấp thông tin về những người đang phải vật lộn với tử thần như trường hợp của bà Đặng Thị Duyên (54 tuổi) ung thư vòm họng; chị Nguyễn Thị Linh (40 tuổi), chị Đặng Thị My (35 tuổi), Đặng Thị Minh (33 tuổi) - ung thư tuyến giáp; bà Đặng Thị Tuyết - ung thư buồng trứng; chị Nguyễn Thị Diệu (26 tuổi) - hạch di căn; ông Nguyễn Văn Thao (58 tuổi) - ung thư hàm ếch…

Cô Nguyễn Thị Duyên bị ung thư vòm họng. 

Những cái chết được báo trước

Với người dân “làng ung thư” thì mọi việc đã vượt qua giới hạn, khi phần lớn những người thân, hàng xóm của họ đều đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo lúc tuổi đang còn trẻ. Đối với họ, đó quả là một nỗi ám ảnh, hoang mang. Theo con số thống kê của người dân làng Xuân La, trong vòng 10 năm trở lại đây (tính từ năm 2001) trung bình có 10-12 người chết/năm vì các căn bệnh ung thư phổi, vòm họng, dạ dày, chưa kể những người mắc ung thư nhưng còn mặc cảm với bệnh tật mà không dám nói ra.

Điều đáng lo ngại, gần đây, con số này còn gia tăng thêm, trung bình có 16-18 người chết vì ung thư, có gia đình chết cả 3 anh em trai hay cả 2 vợ chồng.

Điển hình như gia đình cụ Nguyễn Thị Sông (94 tuổi) có tới 3 người con trai đã chết vì căn bệnh ung thư. Hiện cụ sống một mình trong căn nhà lụp xụp nhất làng. Câu nói của cụ khiến chúng tôi nhói đau: “Chúng nó chết cả rồi, cả 2 anh con rể cũng chết vì ung thư đấy”.

Đến nhà chị Vũ Thị Thúy (41 tuổi) có chồng mới mất năm ngoái vì bệnh ung thư. Hoàn cảnh của chị Thúy cũng rất đáng thương, vì sau khi anh phát hiện bệnh vào tháng 7.2013, đưa lên Bệnh viện K, rồi BV Bạch Mai (Hà Nội) các bác sỹ đều khẳng định anh bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, không thể cứu chữa. Về nhà được hơn một tháng thì anh mất. Hiện chị đang phải bươn trải cuộc sống nuôi 3 cô con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Cô con gái lớn đang học lớp 10, còn cháu út mới vào lớp 1.

Sau 2 năm vẫn chờ kết luận!?

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Đức Tình - chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Xuyên, vị cán bộ này cho biết: “Vấn đề “làng ung thư” ở Xuân La cách đây 2 năm, phòng đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện cùng với Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường thành lập đoàn kiểm tra và đã xử phạt hành chính đối với cơ sở sản xuất đồ giả đá trên địa bàn làng Xuân La. Còn nguyên nhân thì đến nay phòng vẫn chưa nhận được văn bản kết luận nào từ cấp trên!?…

Sau 2 năm, tình trạng bệnh tật ở “làng ung thư” Xuân La vẫn không hề có chuyển biến tích cực. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải thay việc kiểm tra, phạt hành chính… bằng những việc làm thiết thực để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của làng nghề, có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ và hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp người dân mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo

Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân chính của “làng ung thư” bắt nguồn từ hoạt động sản xuất của các hộ làm tượng giả đá xuất hiện từ hơn 10 năm trước. Đó được coi là mối nguy hại lớn với môi trường sống của hơn 700 hộ dân làng vì các chất độc do hoạt động sản xuất này thải ra môi trường đã làm ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí.

 Kỳ tiếp: Gian nan hành trình tìm công lý của người dân “làng ung thư” Dục Túa