Ung thư dễ dàng chữa khỏi

GiadinhNet - Bệnh ung thư có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

15.5864
Ung thư giai đoạn đầu dễ chữa khỏi
Hơn 70% bệnh nhân đến điều trị muộn

Chị Lương Thị Luyến ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) đã phát hiện bị ung thư dạ dày cách đây 5 năm. Sau khi thấy khó chịu ở vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau ăn, buồn nôn và ói mửa, sụt cân nhanh, chị đã đến ngay bệnh viện K để kiểm tra. 

Sau khi làm các xét nghiệm, chị được chẩn đoán bị ung thư dạ dày giai đoạn 2. Theo các bác sĩ, do được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sau hơn 5 năm sức khoẻ của chị rất tốt.

Không may mắn như chị Luyến, chị H.T.N, 48 tuổi ở Hải Dương hiện đang được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa ung thư ở Hà Nội mặc dù phát hiện sớm nhưng chị không điều trị ngay bằng phương pháp khoa học, mà dùng cách không chính thống dẫn đến bệnh cảnh càng trở nên phức tạp. 

Cách đây hơn một năm, chị phát hiện bị ung thư vú. Chị không đến viện điều trị ngay mà cứ có ai mách thuốc đông y ở đâu chị lại tìm đến, thậm chí khi bị hoại tử còn đắp lá. Chỉ đến khi quá nặng, khó thở không chịu được chị mới vào viện khám thì đã có tổn thương phổi, di căn sang bên còn lại.

BS Trần Văn Thuấn – Phó giám đốc Bệnh viện K - cho biết: Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bệnh đến khám và phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, đại đa số bệnh nhân vẫn vào viện ở giai đoạn muộn. 

Khi ung thư đã bước vào giai đoạn cuối, việc điều trị càng trở nên phức tạp, tốn kém mà hiệu quả thấp. Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân phát hiện mình bị ung thư thay bằng đến các bệnh viện để điều trị thì lại đến chữa trị tại các thầy lang đắp lá, uống thuốc nam, thuốc bắc mà không điều trị kịp thời. Điều đó dẫn đến hậu quả tế bào ung thư lan tràn, di căn sang các bộ phận khác, có thể tử vong.Bệnh viện K đã tiến hành nghiên cứu vềThực trạng chẩn đoán muộn và những yếu tố liên quan tới tình trạng đến muộn của bệnh nhân mắc một số loại ung thư phổ biến tại Bệnh viện K (từ tháng 10/2011 - 4/2012) trên 400 đối tượng bệnh nhân mắc một trong các ung thư: vú, cổ tử cung, vòm, miệng, họng, đại trực tràng, tiền liệt tuyến và da. 

Kết quả cho thấy, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn. 79% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị lần đầu khi đã ở giai đoạn III và IV.

Nhiều bệnh nhân đã nhận biết được các dấu hiệu bệnh lại có phản ứng chậm. 21% bệnh nhân chỉ tìm tới cơ sở y tế sau 6 tháng kể từ lúc có dấu hiệu bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “phản ứng chậm” của bệnh nhân là chủ quan và thiếu hiểu biết về ung thư. 

Về tuổi mắc ung thư
 
- Ở nhóm tuổi 0-14 tuổi, ung thư máu chiếm vị trí cao nhất; còn ung thư mắt, thận, xương, mô mềm là các loại thường gặp tiếp theo.
 
- Ở nhóm tuổi 15-24 hay gặp ung thư buồng trứng (ở phụ nữ) và ung thư tuyến giáp.
 
- Ở nhóm tuổi 25-34, đứng đầu là ung thư tuyến giáp. Ở nam giới ung thư đại tràng, ung thư gan xuất hiện nhiều; ở nữ giới là ung thư vú.
 
- Từ nhóm tuổi 35 trở lên: ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu ở nam giới; ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp ở nữ giới.
 
- Sau 65 tuổi, ung thư da là một trong những ung thư thường gặp ở cả hai giới, nhưng ung thư vú giảm ở nữ giới.
30% chưa từng nghe nói đến ung thư, 61% không biết vai trò của phẫu thuật trong điều trị ung thư. Nhiều người dân cho rằng ung thư không chữa được và nếu ung thư mà mổ thì càng mau chết.
 
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
 
TS.BS Bùi Diệu - Phó chủ tịch Hội Ung thư VN - cho biết: Người bệnh ung thư được chẩn đoán trễ, ít có cơ may chữa khỏi. Trong đó ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ cao nhất, gần 88%; kế đến là dạ dày gần 87%, phổi hơn 84%, ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn phần lớn chiếm tỉ lệ thấp hơn, gần 50% và gần 54%. 

Nếu ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi với các phương pháp phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân như hóa chất, nội tiết, miễn dịch sinh học. Nhưng khi muộn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống như xuất hiện triệu chứng đau, khó thở, suy mòn.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới hơn 80%; ở giai đoạn 2, tỉ lệ này sẽ là 60%; sang giai đoạn 3, khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.

Theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM, thời gian gần đây, các loại bệnh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng gia tăng… là do lối sống “công nghiệp”. 

Người dân hút thuốc lá, uống bia, rượu nhiều, ăn ít rau xanh, ăn nhiều chất béo, ít vận động...  Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Thức ăn chứa nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, tử cung, buồng trứng, đại - trực tràng. 

Thức ăn có chứa hoá chất độc hại như hàn the, phẩm màu công nghiệp, thịt hun khói, thức ăn bảo quản không tốt có thể sinh ra các chất gây ung thư. Rượu, bia có nguy cơ gây ung thư khoang miệng, thực quản, dạ dày, gan.

Với ung thư gan thì viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh này. Nếu người dân được chích ngừa thì có thể hạn chế mắc bệnh ung thư gan. Đối với ung thư vú và ung thư cổ tử cung, bệnh này ít gặp ở người dân thành phố nhưng lại gặp nhiều ở người dân các tỉnh do ý thức vệ sinh phụ nữ và việc sinh đẻ chưa được kiểm soát tốt. Nguyên nhân gây bệnh này là do virus HPV, hiện đã có vaccin chủng ngừa nhưng do giá thành cao nên nhiều người dân chưa tiếp cận được.

Các chuyên gia khuyến cáo, để đề phòng và phát hiện sớm ung thư người dân cần hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn chất béo, ăn nhiều trái cây, rau xanh, không hút thuốc lá; chế độ sinh hoạt và tập luyện thể thao điều độ; kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu bị mắc ung thư. Chích ngừa gan siêu vi B, chích ngừa ung thư cổ tử cung...
 
Phương Thuận
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]