Ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho biết, mỗi năm nhờ triển khai nhân giống theo phương pháp invitro mà tỉnh có thể tiết kiệm cả trăm tỉ đồng cho cây giống.

Ông Nguyễn văn Tới, Giám đốc trung tâm nông nghiệp Đà Lạt cho biết, phương pháp nhân giống này có nhiều ưu điểm vượt trội, trong đó lợi ích về mặt kinh tế cao hơn hẳn so với các phương pháp cũ.

Với cách cấy củ như trước đây, để có 1 triệu cây giống khoai tây xuất vườn thì cần ít nhất 200.000 củ khoai tây giống với thời gian kéo dài trong 10 tháng. Tổng cho phí đầu tư hơn 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo phương pháp invitro thì chỉ cần 1.000 đến 3.000 củ khoai tây giống, thời gian trong sáu tháng và tổng chi phí chỉ hơn 100 triệu đồng.

Như vậy về mặt kinh tế, sản xuất giống khoai tây theo phương pháp mới này làm lợi gầp 5-7 lần so với cách thức cũ (chi phí, thời gian quay vòng đất).

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tới thì tỉ lệ này tăng lên gấp 8-10 lần ở nhiều giống hoa đang được trồng phổ biến tại Đà Lạt.

Hiện nay, mỗi năm Lâm Đồng sản xuất 12-14 triệu cây giống gốc theo kỹ thuật invitro.

Tính theo tổng lượng cây giống xuất vườn cho các vùng chuyên canh rau, hoa, củ ở Lâm Đồng với mức chênh lệch về đầu tư như trên thì mỗi năm người nông dân đã giảm được chi phí cây giống lên đến cả trăm tỉ đồng nhờ kỹ thuật sản xuất giống invitro.

Cùng với lợi ích cụ thể về kinh tế, kỹ thuật sản xuất giống invitro còn là kỹ thuật ưu việt trong việc tạo ra cây giống sạch bệnh, có sức kháng bệnh rất cao; có thể sản xuất cây giống rất nhanh với quy mô lớn một cách dễ dàng.

Ông Phạm S, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Lâm Đồng cho biết, kỹ thuật này đang được phổ biến rộng rãi ở tỉnh, không những nông dân tiết kiệm được chi phí, chủ động về sản xuất cây giống, sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng cao, mà còn giúp nâng cao trình độ sản xuất trong nông nghiệp ở các vùng chuyên canh rau quả tại Lâm Đồng./.