Viêm màng não mủ và lưu ý khi dùng thuốc

Viêm màng não mủ là tình trạng nhiễm khuẩn do vi khuẩn sinh mủ của các khoang màng nhện

15.5963
Bệnh viêm màng não cần được chẩn đoán sớm, điều trị tích cực và đúng đắn để tránh các biến chứng và di chứng, hạ tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, chẩn đoán rất dễ bị bỏ sót trong giai đoạn đầu vì triệu chứng lâm sàng của viêm màng não mủ ít đặc hiệu và có khoảng 10% các trường hợp không tìm ra tác nhân gây bệnh.

Sự xâm nhập của vi khuẩn vào màng não

Vi khuẩn thường xâm nhập qua niêm mạc hầu họng, sau nhiễm trùng huyết có nguồn gốc từ viêm nội tâm mạc, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, viêm xoang, viêm tai giữa; ở bệnh nhân bị chấn thương sọ não hoặc có vết nứt cạnh xoang mũi, gãy xương sàng; sau phẫu thuật thần kinh, nhất là các thủ thuật có đụng chạm đến dịch não tủy hoặc các trường hợp viêm cốt tủy ở xương sọ và cột sống.  
Đối với trẻ sơ sinh, viêm màng não do nhiễm các loại vi khuẩn có mặt thường xuyên trong âm đạo, đường tiết niệu hay trực tràng người mẹ như: E.coli, listeria mono-cytogenes...

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh có thể khởi đầu bằng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và khó xác định thời điểm. Bệnh cũng có thể khởi phát đột ngột do hội chứng nhiễm khuẩn cấp tính, ồ ạt của một nhiễm khuẩn huyết, diễn tiến nhanh trong vài giờ. Bệnh nhân thường sốt cao trên 39oC, có kèm theo đau nhức, lạnh run, vã mồ hôi, cơn nhức đầu dữ dội, kéo dài, không bớt với thuốc giảm đau, sợ ánh sáng; triệu chứng buồn nôn, ói mửa, kiểu ói vọt; tình trạng táo bón và tăng kích thích da...

Ở bệnh nhân lớn tuổi có biểu hiện lừ đừ, thay đổi tính tình, lú lẫn, lơ mơ và có thể không sốt...

Ở trẻ nhỏ, dấu hiệu kích thích màng não rất ít. Trẻ bỏ bú, kém linh hoạt, khó chịu, quấy khóc, khóc thét bất thường, vàng da, ói mửa, tiêu chảy...

Các trường hợp nhiễm não mô cầu xuất hiện những đốm xuất huyết rải rác toàn thân; các dấu hiệu thần kinh định vị như liệt nửa người, liệt tứ chi, liệt mặt hoặc mù mắt, lé, đau cơ, viêm khớp sưng...

 Vi khuẩn tấn công màng não

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị

Viêm màng não là một cấp cứu nội khoa, do đó cần phải điều trị sớm và tích cực. Nếu điều trị chậm trễ sẽ dễ đưa đến các biến chứng và di chứng nặng nề, nhất là đối với trẻ em. Trong điều trị, kháng sinh đóng vai trò chủ yếu.

- Nguyên tắc sử dụng kháng sinh:
 
Sử dụng kháng sinh trong viêm màng não mủ với những nguyên tắc: sử dụng sớm, ngay khi có chẩn đoán; lựa chọn loại thuốc thích hợp với độ nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh; thuốc phải đạt đến nồng độ diệt khuẩn cần thiết trong dịch  não tủy, phải tiếp tục duy trì liều kháng sinh cao trong suốt quá trình điều trị ( nên tiêm vào tĩnh mạch và không giảm liều dù khi bệnh nhân có đáp ứng).

Viêm màng não do Hemophilus influenzae: Điều trị viêm màng não mủ do loại vi khuẩn này đã có nhiều thay đổi từ khi có sự xuất hiện của dòng beta-lactamase. Nhóm cephalosporin thế hệ 3 được khuyến cáo sử dụng hàng đầu.

Viêm màng não do Neisseria meningitidis: Kháng sinh hàng đầu được sử dụng là penicillin G hay ampicillin. Có thể dùng chlorampenicol nếu dị ứng với penicillin. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày hoặc ngừng thuốc khi bệnh nhân hết sốt 5 ngày.  

Viêm màng não do Streptococcus pneumoniae:  Kháng sinh hàng đầu được khuyến cáo sử dụng là cephalosporin thế hệ 3.

Viêm màng não do Listeria monocytogenes: Thường gặp ở trẻ sơ sinh, người già và người lớn bị suy giảm miễn dịch. Ở trẻ sơ sinh, chọn  ampicillin phối hợp với gentamycin. Ở người lớn, là ampicillin, tuy nhiên nếu bị dị ứng thì thay thế bằng trimethoprimi sufametyhoxale.

Viêm màng não do trực khuẩn gram (-) hiếu khí: Thường do biến chứng của chấn thương đầu hoặc những thủ thuật ngoại thần kinh. Thuốc được lựa chọn là nhóm cephalosporine thế hệ 3.

Viêm màng não do staphylococcus aureus: Bệnh gặp tương đối ít, thứ phát sau một nhiễm khuẩn huyết nặng hoặc sau thủ thuật ngoại thần kinh. Oxacillin hay nafcillin được sử dụng hàng đầu. Dùng vancomycin thay thế nếu bị dị ứng với nhóm penicillin hoặc bị nhiễm các dòng tụ cầu kháng méthicillin.

AloBacsi.vn
Theo TS. Ngọc Hà - Sức khỏe & Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]