Chuyên gia Catherine Peterson thuộc Đại học Missouri và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên các trẻ em và thiếu niên béo phì đang được điều trị trong Chương trình Béo phì và Tiểu đường ở trẻ vị thành niên của trường.
Tất cả đều bị thiếu hụt vitamin D và có những chế độ ăn uống và mức độ hoạt động tương tự nhau.
Phân nửa các đối tượng nghiên cứu được cho uống ngẫu nhiên viên bổ sung vitamin D hoặc giả dược mỗi ngày trong 6 tháng. Kết quả cho thấy những trẻ dùng bổ sung vitamin D không những có đầy đủ lượng sinh tố này mà còn giảm được lượng insulin trong máu.
“Bằng cách tăng cường hấp thu vitamin D, chúng tôi nhận thấy nó có tác dụng mạnh như sử dụng thuốc kê toa. Chúng tôi chứng kiến một sự sút giảm mức insulin, vốn đồng nghĩa với việc kiểm soát glucose tốt hơn, dù không có sự thay đổi về cân nặng cơ thể, lượng hấp thu qua chế độ ăn uống hay hoạt động thể chất”, bà Peterson nói.
Chuyên gia này cũng nói rằng liều vitamin D dành cho các thiếu niên béo phì trong cuộc nghiên cứu không phải là liều được khuyên dùng cho tất cả mọi người.
“Đối với các bác sĩ lâm sàng, thông điệp chính là kiểm tra tình trạng vitamin D của các bệnh nhân béo phì, do họ có thể không đầy đủ lượng sinh tố này. Việc bổ sung vitamin D vào chế độ ăn uống có thể là biện pháp tăng cường cho việc chữa trị bệnh béo phì và tình trạng kháng insulin liên quan đến nó”, chuyên gia Mỹ nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san American Journal of Clinical Nutrition, số ra mới nhất.
AloBacsi.vn
Theo Phụ Nữ THCM/ UPI