Yếu tố “phát hiện sớm” ung thư dạ dày, điều trị trúng đích

Việt Nam bắt đầu sử dụng liệu pháp trúng đích phân tử trong điều trị ung thư dạ dày - Hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân.

15.5991

 Hy vọng mới

Nghiên cứu lâm sàng ToGA đã chứng minh, khi kết hợp Trastuzumab với hóa trị liệu trong điều trị ung thư dạ dày sẽ giúp kéo dài thời gian sống cho các bệnh nhân có gien chuyên biệt tạo ung thư (HER2) dương tính là 16 tháng, so với 11,8 tháng khi điều trị thuần túy bằng phác đồ hóa trị.

GS. Yoon Koo Kang, Khoa Chống ung thư, Đại học Ulsan Seoul, Hàn Quốc, cho biết, đến nay có khoảng hơn 20 loại thuốc trúng đích chữa ung thư nhưng chỉ có Trastuzumab là loại thuốc duy nhất được phép điều trị ung thư dạ dày.

Trastuzumab là kháng thể đơn dòng có tác dụng tấn công trực tiếp và tiêu diệt tế bào ung thư có HER2 và bảo tồn tế bào lành mạnh. Điều trị bằng liệu pháp trúng đích có ưu điểm, giảm độc tính bằng Trastuzumab.

Khác với điều trị bằng hóa trị (độc tính cho tế bào), người ta đưa độc tính vào để diệt chết tế bào ung thư, nhưng các độc tính này không phân biệt được đâu là tế bào ung thư, đâu là tế bào còn lành mạnh nên tấn công cả hai loại tế bào.

Theo GS. Yoon Koo Kang, liệu pháp trúng đích đã được áp dụng hầu hết tại các quốc gia châu Âu và tại một số quốc gia đang phát triển. Năm 2009, Hàn Quốc cho phép áp dụng liệu pháp trúng đích điều trị ung thư dạ dày và sau 10 tháng đã chấp nhận chi trả cho các bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Hiện, 100% người dân Hàn Quốc có bảo hiểm y tế, do đó, nếu không may mắc bệnh, họ chỉ phải trả 5% chi phí điều trị. Nhưng GS. Yoon cũng thừa nhận: “Hiện chưa có kết quả thực tế để so sánh với kết quả nghiên cứu ToGA, dù các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý khá tốt sau gần 2 năm điều trị liệu pháp trúng đích”.

Phát hiện sớm, yếu tố quyết định

TS. Nguyễn Tuyết Mai, Bệnh viện K Trung ương, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư học lâm sàng, cho biết, ung thư dạ dày đứng thứ ba trong số 10 loại bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp tại Việt Nam.

Chưa có số liệu thống kê trên toàn quốc, nhưng tại Bệnh viện K, 3/4 người bệnh nhập viện đều vào giai đoạn muộn nên kết quả điều trị thường không cao.

Nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, thói quen ăn mặn và ăn thức ăn chứa nhiều Nitrat, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu và di truyền từ gia đình.

Theo TS. Mai, hầu hết các cơ sở điều trị ung thư dạ dày của Việt Nam đều theo trường phái châu Á: Phẫu thuật triệt căn (cắt toàn bộ dạ dày và nạo vét hạch - D2) và điều trị hóa chất bổ trợ trong trường hợp có di căn.

Hiện nay, phẫu thuật D2 được xem là kỹ thuật tối ưu, mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Nhưng theo TS. Mai: “Không phải cơ sở điều trị nào cũng có được kỹ năng phẫu thuật D2, chỉ một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, Huế và TP.HCM là đạt chuẩn”.

TS. Nguyễn Tuyết Mai cho hay, xét nghiệm HER2 được Việt Nam áp dụng trong điều trị ung thư vú từ 10 năm nay. Những năm gần đây, y học đã phát hiện, HER2 còn có ở ung thư dạ dày, chiếm khoảng 16 - 20% trong tổng số bệnh nhân nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, chỉ những bệnh nhân xét nghiệm có HER2 dương tính mới có thể điều trị bằng liệu pháp trúng đích và tỷ lệ này chỉ chiếm 20% tổng số bệnh nhân bị ung thư dạ dày, có nghĩa là 10 bệnh nhân, chỉ 2 người có cơ hội được điều trị liệu pháp trúng đích.

Theo GS-TS. Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, liệu pháp trúng đích thường được sử dụng trong trường hợp phát hiện muộn: “Với các liệu pháp khác, bệnh nhân thường sống trung bình khoảng 12 tháng. Nếu sử dụng liệu pháp trúng đích, tuổi thọ kéo dài thêm 4 tháng nữa là khoảng 16 tháng”.

Hiện, thuốc Trastuzumab đã được vào danh mục bảo hiểm y tế, nhưng GS. Đức cũng cảnh báo: “Chi phí cho liệu pháp điều trị trúng đích vẫn rất cao so với các liệu pháp thông thường, tùy cơ địa và liều thuốc điều trị mỗi trường hợp".

Vì vậy, gia đình bệnh nhân cần tính toán, cân nhắc so với thu nhập của hầu hết người Việt Nam. Đương nhiên với những gia đình bệnh nhân có điều kiện kinh tế, họ có thể sử dụng tất cả những gì có thể để kéo dài cuộc sống cho người bệnh.

Theo phân tích của GS-TS. Đức, đối với những người không may mắc bệnh ung thư dạ dày, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn 0 - tế bào ung thư mới ở trên niêm mạc, chỉ cần hớt niêm mạc là khỏi đến 99%.

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), có tới 90 - 95% khỏi hẳn. Nhưng ở giai đoạn II, tỷ lệ khỏi giảm còn 80%, giai đoạn III giảm chỉ còn 40%, giai đoạn IV chỉ còn 15%...

Vì vậy “phát hiện ở giai đoạn sớm là quan trọng nhất và phẫu thuật vẫn là liệu pháp cơ bản”, GS. Đức khuyến cáo.

Hiện, Việt Nam chưa có chương trình sàng lọc, phát hiện sớm ung thư dạ dày, việc chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở y tế cũng chưa đạt yêu cầu.

Các phương pháp siêu âm, chụp phản quang có thể phát hiện ung thư dạ dày, nhưng đó là khi khối u đã lớn. Vì vậy, “để phát hiện sớm ung thư dạ dày, không có cách nào khác là nội soi dạ dày”, GS. Đức nói.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay chưa cho phép tất cả những người trên 40 tuổi nội soi dạ dày như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo GS. Đức: “cần tập trung những người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau ở vùng mỏ ác kéo dài... mà điều trị nội khoa không khỏi, cần được soi dạ dày định kỳ ít nhất 2 năm/lần”.

Theo Hải VânDoanh nhân Sài Gòn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]