Để phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) không thể thiếu vật chủ trung gian truyền bệnh đó là muỗi. Vì vậy, nếu không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết.

0

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Có nhiều loại muỗi khác nhau, mỗi loài mang một đặc tính riêng. Mỗi loài muỗi có thể là môi giới truyền một bệnh khác nhau cho con người. Muỗi truyền bệnh SXHD là loài muỗi Aedes. Có nhiều loại muỗi Aedes nhưng có 2 loại Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành để chúng gây bệnh SXHD. Loăng quăng là con đẻ của muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus.

Đặc điểm của loài muỗi A. aegypti (muỗi vằn) sống chủ yếu ở thành thị, còn loài A. albopictus (muỗi hổ châu Á) gặp chủ yếu ở nông thôn và miền rừng núi. Tuy vậy, hiện nay ở nước ta do quá trình đô thị hóa nhanh cho nên khó phân biệt ranh giới giữa nông thôn và thành thị và vì vậy cả hai loài muỗi đều xuất hiện khắp mọi nơi cả nông thôn lẫn thành thị và cùng mang mầm bệnh virut Dengue. Hai loại muỗi này thường sống cả trong nhà và cả ngoài trời, rất ưa hút máu người và đốt rất dai cho đến khi no mới thôi. Muỗi thường hút máu vào cả ban ngày và ban đêm, nhất là vào lúc sáng sớm và cả lúc chập tối. Khi muỗi đã hút no máu thì thường tìm chỗ tối để đậu.

Chúng có thể đậu cao tới 2m và bay xa tới 400m. Các loài muỗi này thường hay đẻ trứng ở nước sạch như nước lọ cắm hoa, ở chum vại dự trữ nước sinh hoạt, ở các lốp xe hỏng có đọng nước, máng nước, các hồ, ao tù, nước đọng. Trứng muỗi sẽ phát triển thành loăng quăng (bọ gậy) sau khoảng 2 tuần, nếu nhiệt độ môi trường thích hợp (trên 32 độ) thì chỉ cần trong vòng 7 ngày chúng đã phát triển thành loăng quăng, thành nhộng rồi thành muỗi.

Muỗi trưởng thành sẽ hút máu người và truyền virut Dengue gây bệnh SXHD cho người qua vị trí hút máu. Mọi lứa tuổi khi chưa có miễn dịch với bệnh SXHD thì đều có thể mắc bệnh này, trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn. Virut Dengue có 4 typ huyết thanh (từ D1 - D4) đều có khả năng gây bệnh, cho nên nếu đã mắc bệnh typ D1 rồi thì vẫn có thể mắc bệnh typ khác (D2, D3, D4). Bệnh SXHD dù là người lớn hay trẻ con mắc bệnh đều rất nguy hiểm có thể tử vong nếu không cấp cứu và xử trí kịp thời, đặc biệt là loại SXHD sốc.

Một số điểm cần lưu ýkhi mắc sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết thường có 2 loại, sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue. Sốt Dengue biểu hiện sốt cao đột ngột và kéo dài liên tục từ khoảng 2 - 7 ngày. Kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau khắp các cơ, khớp và rất nhức 2 hố mắt. Sau sốt là xuất hiện sung huyết và phát ban.

Xuất huyết dưới da dạng chấm, có khi chảy máu cam, chảy máu chân răng. Xét nghiệm máu thấy tốc độ lắng máu bình thường, tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm nhưng bạch cầu giảm. Với bệnh SXHD đều có sốt cao, xuất huyết với nhiều hình thái khác nhau (dưới da, phủ tạng). Xuất huyết dưới da, niêm mạc như chấm, mảng bầm tím, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Xuất huyết nội tạng như đi tiểu ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc rối loạn kinh nguyệt (phụ nữ). Đối với SXHD có sốc là nguy hiểm nhất, nếu không phát hiện sớm và không xử trí kịp thời có thể gây tử vong, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi do trụy tim mạch.


AloBacsi.vn
Theo BS. Bùi Mai Hương - Sức khỏe & Đời sống



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]