Điều trị ung thư từ... sốt rét: Cần thời gian dài nữa để kiểm chứng

Các nhà khoa học có lẽ đã tình cờ tiến được một bước lớn trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh ung thư, với một khám phá bất ngờ cho thấy protein sốt rét có thể là vũ khí hiệu quả để chống lại căn bệnh quái ác này.

15.5724
Thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương - Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương

Theo công trình nghiên cứu được công bố, các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra điều này khi họ tìm một biện pháp để bảo vệ phụ nữ có thai trước bệnh sốt rét - có thể gây ra những vấn đề lớn vì nó tấn công vào bánh rau - thì các nhà nghiên cứu Đan Mạch lại phát hiện ra rằng các protein trong vắc xin sốt rét cũng có thể tấn công tế bào ung thư, một hướng tiếp cận có thể mở ra bước tiến lớn trong việc chữa khỏi các bệnh ác tính.

Họ đã kết hợp phần protein mà vắc-xin sốt rét dùng để “chui’ vào tế bào với một độc chất - để sau đó có thể đưa vào tế bào ung thư và giải phóng chất độc để tiêu diệt những tế bào này.

Các nhà khoa học thấy rằng trong cả hai trường hợp protein vi rút sốt rét đều tự gắn với cùng một carbohydrat. Chính sự tương đồng này có thể mở ra hướng điều trị bệnh.

Thông tin này khiến rất nhiều người vui mừng vì từ trước đến nay, ung thư trở thành nỗi lo không của riêng ai. Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, tỷ lệ tử vong xếp thứ hai sau bệnh tim mạch. Hiện tại, cả nước có khoảng 250.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, vú, buồng trứng và cổ tử cung.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi Bệnh viện K trung ương, cơ sở 3 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội cho biết đây là một phương pháp không phải mới vì từ trước nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nghiên cứu về việc điều trị ung thư bằng kháng thể gắn với độc tố. Hỗn hợp gắn đó tìm đến tế bào ung thư vì tế bào ung thư có chứa kháng nguyên. Sau khi đến được với tế bào ung thư, độc tố này sẽ tiêu diệt tế bào ung thư.

Đã nhiều kháng thể đơn dòng được dùng trong điều trị ung thư, phương pháp này đã được khoa học thừa nhận. Tuy nhiên đánh giá phương pháp này có hiệu quả hay không, theo bác sĩ Hương phải cần một thời gian nữa. Vì sau khi thử nghiệm trên người thành công, vẫn cần thời gian theo dõi và đánh giá trên số lượng bệnh nhân được chữa theo phương pháp này.

Khi một tác nhân gây bệnh (còn gọi là kháng nguyên) như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm... xâm nhập vào cơ thể và kể cả những tế bào ung thư ở giai đoạn đầu, tế bào lymphô B của hệ miễn dịch sẽ sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể. Mỗi kháng nguyên khi vào cơ thể sẽ tạo ra một kháng thể đặc hiệu.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, kháng thể đơn dòng đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Phương pháp sản xuất kháng thể đơn dòng chủ yếu được thực hiện theo phương pháp tạo tế bào hybridoma của Kohler và Milstein (1975). 

Tuy nhiên, quy trình sản tạo tế bào hybridoma là phức tạp, kháng thể sản xuất ra có giá thành cao và hơn thế nữa khi ứng dụng trong điều trị lại gặp những trở ngại về tính hiệu quả do chúng có bản chất từ chuột. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật gen để tạo kháng thể đơn dòng dạng ghép và các kháng thể có bản chất hoàn toàn của người . Kháng thể dạng ghép đã làm tăng hiệu quả điều trị và giảm hiện tượng HAMA.

Kháng thể có thể sử dụng trực tiếp trong điều trị, hoặc có thể được gắn với các độc tố tạo Immunotoxin, hoặc được gắn với các enzyme, hoặc các đồng vị phóng xạ (ví dụ I131). Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của các chế phẩm thuốc phụ thuộc rất nhiều vào bản chất của kháng thể hoặc scFv của kháng thể. Hơn nữa, hiệu quả điều trị của kháng thể cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bền vững của các phân tử kháng thể.

Khánh Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]