Kiểm soát độc tính 
trong điều trị ung thư

TTCT - Trong phần lớn nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả các phác đồ hóa trị ung thư, một trong những mối quan tâm hàng đầu là độc tính (tác dụng phụ) của phác đồ như thế nào và có thể kiểm soát được hay không... Chúng ta có thể kiểm soát độc tính đó thế nào?

0
 
Đồng cảm với người yêu bị ung thư. Một trong những bức ảnh được “like” nhiều nhất trên mạng xã hội

Nỗi sợ... vào hóa chất

Ba tác dụng phụ phổ biến nhất của hóa trị ung thư là nôn mửa, rụng tóc và mệt mỏi. Có bệnh nhân thậm chí mới thoáng thấy chai dịch truyền là đã nôn thốc nôn tháo. Còn mệt mỏi thường được mô tả là “không còn chút sinh lực nào”.

Nguyên nhân do thuốc hóa trị là các thuốc gây độc tế bào, có thể diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng các tế bào lành. Những tế bào bình thường dễ bị ảnh hưởng nhất chính là các dòng tế bào sinh sản liên tục như tế bào máu (tạo ra từ tủy xương), tế bào chân tóc, niêm mạc đường tiêu hóa, các tế bào thuộc hệ sinh sản.

Trên thực tế không phải ai cũng gặp tác dụng phụ và mỗi người sẽ chịu đựng độc tính ở các mức độ khác nhau. Các tế bào lành mạnh bình thường sẽ nhanh chóng hồi phục nên độc tính cũng sẽ hết sau khi kết thúc hóa trị.

Hồi phục hoàn toàn sẽ tùy thuộc cơ địa, sức khỏe mỗi người và loại thuốc được dùng. Một số rất hiếm các trường hợp có thể kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm, thậm chí suốt cuộc đời còn lại, đặc biệt với các loại thuốc gây độc cho thận, tim hay cơ quan sinh sản.

Lắng nghe cơ thể

Mặc dù bác sĩ có thể cho thuốc trên từng trường hợp cụ thể để kiểm soát độc tính, nhưng về phía bệnh nhân cũng có một số phương pháp hay chiêu thức để tự mình đối phó với những độc tính thường gặp nhất.

Để chống lại buồn nôn hay nôn mửa, bệnh nhân nên thay đổi cách ăn uống. Không nên ăn nhiều quá trước khi vô hóa chất. Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Ăn chậm, nhai kỹ. Không ăn những món quá ngọt, cay, chua, những món chiên xào, thức ăn để nguội lạnh...

Nên uống nước một tiếng trước hay sau bữa ăn thay vì uống cùng với bữa ăn. Sau ăn uống nên ngồi nghỉ trên ghế, tránh nằm duỗi thẳng. Bệnh nhân nên xua đi cảm giác buồn nôn bằng nhiều cách như xem phim, nghe nhạc hay trò chuyện cùng người thân, bạn bè.

Rụng tóc (và lông, râu) là một nỗi ám ảnh, đôi khi gây mặc cảm lớn cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nữ. Cần biết hầu hết tóc sẽ mọc lại sau khi hoàn tất điều trị, tóc mọc lại thường mịn, dày và đậm màu hơn trước.

Trong trường hợp này, bác sĩ không có thuốc chữa mà chỉ có thể tư vấn bệnh nhân cách chăm sóc tóc và da đầu: dùng thuốc gội đầu, thuốc chống nắng thích hợp, dùng bàn chải mềm, vải gối mịn và bóng, dùng khăn che đầu hay đội tóc giả khi ra ngoài trời. Đã có những bộ tóc giả sản xuất dành riêng cho bệnh nhân ung thư.

Mệt mỏi do ung thư không giống như loại mệt mỏi cuối ngày, không hết hay bớt mệt sau khi được ngủ đẫy giấc hay nghỉ ngơi. Ba trong bốn bệnh nhân ung thư cho rằng mệt mỏi còn tệ hơn cả các triệu chứng nghiêm trọng khác như nôn mửa, đau đớn và có người thậm chí không thể, không muốn tiếp tục điều trị. Mệt mỏi càng trầm trọng hơn do tác động cộng hưởng cả những vấn đề cảm xúc, tinh thần... mà bất kỳ bệnh nhân ung thư nào cũng gặp phải như buồn chán, lo âu, sợ hãi...

Những lời khuyên của Hội Ung thư Hoa Kỳ có thể giúp bệnh nhân có những cách đối phó với mệt mỏi: hoạch định những việc làm trong ngày để dành ra những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Nhiều lần nghỉ ngơi ngắn tốt hơn một lần nghỉ lâu. Làm những việc quan trọng nhất khi cơ thể có nhiều sinh lực nhất. Để những vật dụng, món thường dùng trong tầm tay.

Làm những động tác như hít thở sâu, đọc sách, chơi đàn hay làm bất cứ việc gì mình thích. Cố gắng năng động hơn. Tư vấn bác sĩ về môn thể dục nào thích hợp nhất. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý bao gồm thịt, trứng, sữa và đậu. Uống thật nhiều chất lỏng hoặc tư vấn bác sĩ về chế độ ăn uống đặc biệt nếu có.

Có hàng chục tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ảnh hưởng trên bệnh nhân ung thư với các mức độ khác nhau. Chính bệnh nhân sẽ để ý đến những thay đổi, những dấu hiệu bất thường trong cơ thể của mình suốt liệu trình điều trị. Đừng nên coi thường những triệu chứng đó dù nhỏ nhất, bởi có thể đó là những phản ứng phụ - dấu hiệu của những vấn đề quan trọng đang xảy ra hay sẽ xảy ra. Điều quan trọng là đừng vì tác dụng phụ mà bỏ điều trị ung thư.■

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]