Giảm thời gian ngồi - bí quyết kéo dài tuổi thọ

SKĐS - Theo các nhà nghiên cứu Thụy Điển, giảm thời gian ngồi có thể giúp tăng tuổi thọ của bạn bằng cách giữ cho ADN tươi trẻ.

15.6

Việc dành nhiều thời gian đi hoặc đứng có thể giúp kéo dài một đoạn ADN được gọi là telomere. Telomere có tác dụng bảo vệ đoạn cuối của nhiễm sắc thể, đoạn này thường thoái hóa ngắn dần cho tới khi không thể ngắn hơn được nữa và khiến cho tế bào bị chết.

Phó giáo sư Per Sjogren thuộc Trường đại học Uppsala cho biết: "Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng kéo dài telomere có thể là một cơ chế có lợi cho sức khỏe sau khi giảm thời gian ngồi ở người cao tuổi. Tất nhiên mọi người nên thận trọng với những kết luận này vì nghiên cứu của chúng tôi là khá nhỏ và cần được xác nhận ở các thử nghiệm lớn hơn. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên mô tả một mối liên quan có thể có giữa hoạt động thể lực và việc kéo dài telomere”.

Sjogren cũng cho biết "Telomere đã thu hút rất nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây bởi vì chúng nằm ở đoạn cuối của nhiễm sắc thể và đã được chứng minh là quan trọng trong việc tái tạo ADN và sự sống của tế bào. Mối quan tâm về việc telomere có tác động đến sức khỏe và tuổi thọ hay không đang ngày càng tăng lên".

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phân tích độ dài của telomere trong tế bào máu của 49 người ít vận động và thừa cân giai đoạn cuối thập niên 60. Các mẫu máu được lấy 2 lần, cách nhau 6 tháng. Tất cả đối tượng nghiên cứu đã tham gia vào một nghiên cứu trước đó, khi đó họ được phân ngẫu nhiên vào một chương trình tập luyện hoặc yêu cầu giữ thói quen hàng ngày.

 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, mặc dù can thiệp tập thể dục không liên quan đến telomere dài hơn, nhưng ngồi ít có liên quan tới tăng chiều dài telomere.

Tiến sĩ David Katz, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dự phòng Đại học Yale, cho biết: "Từ lâu đã có bằng chứng cho thấy càng ngồi nhiều giờ mỗi ngày, càng khiến số ngày mà chúng ta có thể ngồi hoặc làm bất cứ điều gì khác giảm đi. Ngồi hàng giờ mỗi ngày có liên quan với giảm tuổi thọ. Bằng chứng cho thấy lối sống lành mạnh, bao gồm cả hoạt động thường ngày, có thể giúp tăng tuổi thọ”.

Theo tiến sĩ Katz, bằng chứng thuyết phục đã cho thấy thay đổi lối sống có thể thay đổi gen và tác động đến chiều dài của telomere. Nghiên cứu này ghi nhận điều đáng lưu ý là có sự tương quan trực tiếp giữa giảm thời gian ngồi mỗi ngày và tăng chiều dài telomere.

Hoàng Hà

(Theo British Journal of Sports Medicine online, 9/2014)

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]