Mẹo nhỏ để không đau bụng trong ngày 'đèn đỏ'

Uống nước, chườm ấm hay ăn các loại rau xanh, ngũ cốc là những cách đơn giản nhưng hiệu quả.

15.6121

Đau bụng kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở chị em phụ nữ. Cảm giác đau có thể bắt đầu xuất hiện từ trước 1 - 2 ngày hoặc khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

Có những người vào ngày kinh nguyệt họ chỉ bị đau bụng âm ỉ, hay chỉ cảm thấy đau lưng, mệt mỏi… nhưng không ít chị em phụ nữ vào ngày kinh nguyệt đau bụng dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn, chân tay lạnh, mặt tái nhợt, người lạnh…thậm chí là phải nhập viện.

Đau bụng trong chu kì kinh nguyệt tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và những hoạt động thường ngày. Tuy vậy, một số mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn giảm hẳn các triệu chứng đau bụng và tận hưởng cuộc sống trong những ngày 'đèn đỏ'.

Chườm ấm vào bụng

Đây là một trong những biện pháp lâu đời và phổ biến nhất mà chị em phụ nữ thường chia sẻ với nhau. Khi tới kì kinh nguyệt, dù bạn bị đau lưng, nhức đầu hay đau bụng thì các biện pháp chườm nóng đều có thể giúp bạn làm dịu bớt cơn đau. Bạn có thể dùng khăn nhúng vào nước ấm để chườm hoặc mua túi chườm trong siêu thị. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể dùng các miếng cao dán để dán vào vùng bị đau.

Đau bụng kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở chị em phụ nữ

Uống nhiều nước

Trong những ngày nguyệt san, cơ thể chúng ta sẽ bị mất rất nhiều nước. Việc uống nước vừa có thể giúp bổ sung lượng nước mới mất đồng thời lại giải phóng muối và các chất điện giải trong cơ thể, tránh tình trạng giữ nước… Do đó sẽ làm giảm tình trạng đau bụng, đầy hơi và khó chịu trong những ngày 'đèn đỏ'.

Nếu trong những ngày thường, các bạn uống 2 - 2,5 lít nước thì trong những ngày đèn đỏ, bạn hãy tăng cường lên  2,5 - 3 lít nước mỗi ngày. Điều này không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Trong thời kỳ hành kinh bạn nên tránh tập luyện các môn thể dục, thể thao đòi hỏi phải cố sức nhiều, vì dễ tạo ra những tác động mạnh làm cho kinh nguyệt bị tắc nghẽn gây ra chứng đau bụng kinh. Bạn chỉ nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp, yoga... để xả stress, kích thích máu lưu thông, do đó sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn.

Trong thời kỳ hành kinh bạn nên tránh tập luyện các môn thể dục, thể thao đòi hỏi phải cố sức nhiều

Hạn chế tiếp xúc lạnh

Tắm rửa, uống nước lạnh sẽ khiến tử cung bị kích thích, co bóp mạnh hơn, do đó gây đau đớn. Bạn nên tắm bằng nước ấm để máu dễ lưu thông, cơ bắp được thư giãn, nhất là vùng xương chậu vốn thường bị co cứng và sưng huyết trong những ngày có kinh nguyệt.

Tránh rượu bia và các chất kích thích

Những đồ uống như rượu, cà phê, bia nên được liệt vào danh sách cấm trong những ngày 'đèn đỏ'. Đây là những đồ uống chứa chất kích thích caffein khiến cho thần kinh dễ bị kích động. Trong những ngày hành kinh, vốn dĩ người phụ nữ đã rất dễ bị stress. Nếu dùng thêm những đồ uống này thì chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn. Trong nhiều trường hợp, uống những đồ uống có chất kích thích vào những ngày này có thể gây nhức đầu nặng, đau bụng nhiều hơn.Thay vào đó, bạn nên uống các loại nước trái cây và trà thảo mộc để sảng khoái tinh thần.

Ăn những thực phẩm 'giảm đau'

Các loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, cải xoăn, bông cải xanh… các loại quả như quả bơ, dứa, chuối… hoặc các loại hạt, ngũ cốc rất tốt cho các bạn nữ trong thời kỳ 'đèn đỏ'. Những thực phẩm này có khả năng giúp bạn thoát khỏi các cơn đau bụng, đầy hơi, trướng bụng, chuột rút… Không những thế, đây còn là nguồn bổ sung sắt, vitamin, kẽm, magie và rất nhiều chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm này trong thực đơn những ngày 'đèn đỏ'.

Các loại rau có màu xanh đậm rất tốt cho các bạn nữ trong thời kỳ 'đèn đỏ'

Dùng thuốc

Uống thuốc giảm đau cũng là một cách giúp bạn giảm đau. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng vì sẽ phải chịu đựng những tác dụng phụ của thuốc. Bạn nên hỏi kỹ hướng dẫn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Để giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, bác sĩ có thể cho sử dụng các thuốc giảm đau chứa progestagen. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giãn cơ vòng của tử cung, ức chế sự co bóp, nhờ đó giảm cơn đau.

Nếu bị đau bụng thường xuyên trong giai đoạn 'đèn đỏ', bạn nên đến bác sĩ phụ khoa để khám và tư vấn. Rất có thể triệu chứng đau bụng trong kỳ nguyệt san lại là dấu hiệu thông báo của một số bệnh nguy hiểm khác như u nang buồng trứng, tắc nghẽn vòi trứng... Việc đến bác sĩ để khám và chẩn đoán bệnh sẽ giúp bạn có phương hướng điều trị sớm do đó tránh được những hậu quả xấu.

Ảnh minh họa: Internet

Thu Hoài

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]