Mốt đi chữa bệnh ở nước ngoài

Chị Ngân Hoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang chuẩn bị sang Singapore tái khám. Người phụ nữ 42 tuổi này được chẩn đoán ung thư phổi khi ở giai đoạn 4 và đã sang Singapore để xạ - hóa trị. Chị cho biết sức khỏe hiện khá ổn và rất hài lòng với dịch vụ y tế ở nước bạn.

15.5627

Một bệnh viện ở Singapore. Ảnh: Endometriosiszone

Ngày càng có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Nếu như trước đây, điểm đến chủ yếu là Trung Quốc thì hiện nay, người bệnh có nhiều lựa chọn hơn. Những người dư giả về kinh tế thường chọn Singapore, nơi có chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất Đông Nam Á, với các bệnh viện chẳng khác gì khách sạn. Nước này cũng là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân ung thư. Những người ít tiền hơn thường chọn Thái Lan, đây cũng là nơi nổi tiếng với dịch vụ phẫu thuật định giới và chuyển giới. Còn Trung Quốc là địa điểm lý tưởng dành cho những người muốn ghép tạng do nguồn tạng dồi dào và kỹ thuật tiên tiến.

Bà Phạm Hồng Linh, văn phòng đại diện tập đoàn y tế Parkway (Singapore) tại Việt Nam cho biết, số bệnh nhân đi điều trị ở Singapore tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. So với năm 2004, số khách đi chữa bệnh qua văn phòng tăng 6-7 lần. Nếu tính lượng khách đi tự do trên thị trường thì con số có thể tăng đến gần 20 lần. Do chi phí đi điều trị ở nước ngoài rất cao nên phần lớn khách hàng là người mắc bệnh nặng, ít hy vọng điều trị hiệu quả trong nước, trong đó chủ yếu là bệnh ung thư. Tuy nhiên, gần đây xu hướng đó đã thay đổi.

"Nhiều người có điều kiện về kinh tế và họ muốn được phục vụ một cách tốt nhất chứ không chỉ đơn thuần cần kỹ thuật cao. Chính vì vậy, có rất nhiều kỹ thuật đơn giản trong nước làm tốt nhưng người ta vẫn ra nước ngoài" - bà Hồng Linh nói. Không ít người xuất cảnh chỉ để nhổ răng, cắt bao quy đầu, kết hợp với du lịch hoặc công tác.

Giới bác sĩ chiếm một tỷ lệ khá lớn trong số khách hàng của các bệnh viện ngoại quốc. Một nữ bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy làm việc ở một cơ sở y tế hàng đầu và khá tin tưởng ở tay nghề đồng nghiệp, nhưng chị đã vài lần đưa người nhà ra nước ngoài chữa bệnh, đơn giản vì với cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại sang trọng, cách phục vụ tận tình, bệnh nhân cảm thấy mình đúng là thượng đế. Mặt khác, do không quá tải như bệnh viện Việt Nam nên nguy cơ nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị thấp hơn nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc trung tâm khám chữa bệnh Rạng Đông 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cũng từng đưa người nhà sang Singapore để phẫu thuật điều trị ung thư. Phòng khám của ông có dịch vụ giới thiệu bệnh nhân sang Singapore chữa bệnh. Ông Sơn cho biết, ngoài ung thư, bệnh nhân tim mạch cũng hay ra nước ngoài điều trị. Phần lớn các kỹ thuật điều trị tim mạch hiện đại nhất đều đã có ở Việt Nam nhưng chuyên khoa này luôn quá tải. Nhiều bệnh nhân sẽ không thể sống cho đến khi được xếp lịch mổ nên xuất cảnh là pháp tốt nhất nếu có đủ tiền.

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, Phó giám đốc Bệnh viện K, xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh phản ánh sự phát triển về kinh tế ở Việt Nam; nó giúp cho những người mắc trọng bệnh có nhiều hy vọng được cứu sống và góp phần giảm tải cho những chuyên khoa sâu như ung thư, tim mạch... Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng xu hướng này đang "quá tả", nghĩa là nhiều trường hợp không cần thiết cũng đi dù phải vay mượn, gây lãng phí.

"Với nhiều loại bệnh ung thư như dạ dày, vú, đại tràng, chất lượng điều trị của Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực" - giáo sư Hiển khẳng định. Ông cho biết kỹ thuật chữa ung thư vú của Việt Nam thậm chí còn tốt hơn các nước Đông Nam Á khác do đã có sự hợp tác chuyên môn rất sớm với Mỹ, cường quốc về điều trị bệnh này. Vì vậy, không nên nghĩ rằng cứ ung thư là phải ra nước ngoài mới tốt. Khi mắc các bệnh vừa kể, nếu không dồi dào về kinh tế thì nên điều trị trong nước.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận rằng với một số loại bệnh, nước ngoài có chất lượng điều trị tốt hơn hẳn, chẳng hạn như ung thư phổi. Ở Việt Nam chưa có máy PET-CT, một thiết bị chẩn đoán hình ảnh giúp phân loại chính xác giai đoạn ung thư - một điều quan trọng đối với ung thư phổi. Người mắc bệnh này được chỉ định mổ nếu bệnh ở giai đoạn 1 và 2; nếu bệnh chuyển sang giai đoạn 3-4 thì không mổ nữa mà cần hóa trị kết hợp xạ trị. Việc xác định không đúng mức độ bệnh có thể dẫn đến các chỉ định không thích hợp. Ông Hiển cho biết, với các bệnh về thần kinh, cột sống, điều trị ở nước ngoài cũng tốt hơn do có phương tiện mổ ít gây chảy máu và sang chấn.

Nên tìm hiểu kỹ trước khi đi

Làm sao để chọn được một bệnh viện hay bác sĩ tốt nhất, phù hợp với bệnh tình của mình và giảm tối đa sự tốn kém - đó là mối quan tâm lớn của những người muốn xuất cảnh chữa bệnh.

Chị Ngân Hoa, người từng sang Singapore chữa ung thư phổi, khuyên nên tận dụng tối đa các mối quan hệ quen biết ở nước bạn. Trước khi sang, chị đã liên lạc với họ hàng đi học hoặc đi làm bên đó, nhờ tìm hiểu về những bệnh viện tốt, bác sĩ giỏi chuyên về u phổi và tìm chỗ ăn ở. Nhờ đó, chị không mất nhiều thời gian mò mẫm và tìm được chỗ trọ khá rẻ.

Nếu không có người quen và không thông thạo ngoại ngữ, chị Hoa khuyên nên đi qua văn phòng tư vấn của các tập đoàn y tế nước ngoài đóng tại Việt Nam. Các văn phòng này sẽ dịch hồ sơ bệnh án gửi sang trước cho bác sĩ để có các hướng dẫn về việc có nên sang hay không, nên tới bệnh viện nào, thậm chí liên hệ đặt vé máy bay, bố trí phiên dịch và giới thiệu chỗ ăn chỗ ở nếu khách có nhu cầu... mà không thu thêm phí. Với những nước chưa có đại diện của tập đoàn y tế tại Việt Nam hoặc có nhưng người bệnh không biết, khách hàng thường đi qua môi giới của các bác sĩ trong bệnh viện và phải trả phí khá cao, từ vài trăm đến cả nghìn USD.

Còn ông Lân, một bệnh nhân đã điều trị thoát vị đĩa đệm ở Singapore vào năm ngoái, khuyên những người có ý định xuất cảnh chữa bệnh tìm cách liên lạc với những người cũng từng sang nước đó với mục đích trên. "Họ có thể cung cấp cho bạn địa chỉ, số điện thoại những bác sĩ giàu kinh nghiệm, những nơi có thể thuê nhà trọ với giá rẻ" - ông Lân nói. Trước khi đi, ông đã khéo léo xin được danh sách bệnh nhân từng sang nước ngoài chữa bệnh qua một người môi giới. Chính họ đã cho ông địa chỉ nhà trọ mà họ từng ở, bác sĩ giàu kinh nghiệm mà họ biết.

Còn theo chị Hương (32 tuổi, Hà Nội), mọi người nên tìm hiểu chính sách viện phí đối với người nước ngoài ở nước mà mình sẽ đến. Thông thường, giá ở bệnh viện công rẻ hơn nhiều so với bệnh viện tư, nhưng ở một số nước, khách nước ngoài sẽ phải trả mức giá cao hơn và do đó không chênh lệch bao nhiêu so với bệnh viện tư - nơi có cung cách phục vụ tốt hơn. Chị Hương từng sinh con ở một cơ sở tư nhân tại Singapore với giá xấp xỉ 20 triệu đồng Việt Nam, trong khi giá ở bệnh viện công là 40 triệu đồng cho người nước ngoài (so với mức 16 triệu đồng dành cho dân bản địa).

Các bác sĩ khuyên rằng, cách tốt nhất để tiết kiệm kinh phí là tìm hiểu thật kỹ khả năng điều trị căn bệnh của mình ở Việt Nam. Nếu bạn không dồi dào về tiền bạc, việc vội vàng ra nước ngoài chữa bệnh trong khi trong nước cũng làm được sẽ khiến gia đình mang công mắc nợ và không có điều kiện bồi dưỡng, chăm sóc tốt cho bệnh nhân sau khi điều trị.

Thanh Nhàn

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]