Ngày càng nhiều thai phụ mắc bệnh tim!

SẢN KHOA.- Đầu tháng 8-2003, Bệnh viện (BV) Hùng Vương và Viện Tim TPHCM đã cứu sống một sản phụ có khối u trong tim với kích thước lên đến 117x76 mm và cho sanh an toàn một thai nhi 35 tuần tuổi. Khác với ca bệnh cực hiếm này, tình trạng thai phụ mắc những bệnh tim như hẹp, hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ ngày càng phổ biến. Số liệu ghi nhận từ BV Phụ sản Từ Dũ cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2003, số thai phụ mắc bệnh tim là 110 ca (bằng 62,5% năm 2002) còn tại BV Hùng Vương là 55 ca (bằng 65,4% năm 2002)

15.6037

Đầu tháng 7-2003, BV Chợ Rẫy nhận bệnh nhân T.T.N.M, 22 tuổi, do BV Cần Thơ chuyển đến với chẩn đoán hẹp van 2 lá khít, suy tim độ 4, thai 22 tuần dọa sẩy. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong, nên BV Cần Thơ đã cho chỉ định chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ nhưng chị M. không chịu và xin chuyển lên BV Chợ Rẫy. Siêu âm tim doppler tại BV Chợ Rẫy cho thấy bệnh nhân bị hẹp van 2 lá khít với diện tích lỗ van là 0,6 cm2 (bình thường hơn 2 cm2), áp lực động mạch phổi tăng đến 110 mm Hg (bình thường là dưới 30 mm Hg), suy tim độ 4, thai 22 tuần. Ngay sau đó, bệnh nhân được nong van hai lá với kết quả: diện tích lỗ van sau nong là 1,7 cm2, áp lực động mạch phổi còn 83 mm Hg. Ngày 14-7-2003, bệnh nhân xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh, thai ổn định.

Tuổi thọ giảm, nhiều nguy cơ rình rập

Khác với trường hợp “có hậu” trên, phần lớn trường hợp thai phụ mắc bệnh tim là những ca khó khăn, khiến người thầy thuốc không yên vì những biến chứng xảy ra có thể làm mất mạng cả mẹ lẫn con. Để chỉ việc giảm tuổi thọ ở những thai phụ mắc bệnh tim, TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, so sánh: “Phụ nữ mắc bệnh tim: sanh nở 1 bước, tiến tới gần nấm mộ 10 bước”. Đầu năm nay, BV này tiếp nhận chị N.T.H, 35 tuổi, từ Long An chuyển lên trong tình trạng mang thai 7 tháng và khó thở dữ dội. Đây là lần mang thai thứ ba, hai lần trước chị sanh đều khó khăn vì chứng hẹp van tim 2 lá. Bất chấp lời khuyên của bác sĩ không nên mang thai vì ảnh hưởng đến sức khỏe, chị H. vẫn quyết định có thêm một đứa con. Khi nhập viện, thai phụ bị tím tái rất nhiều. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do biến chứng phù phổi cấp quá nặng, nên chị H. đã qua đời sau đó.

Theo TS Thu Thủy, ngoài nguy cơ tử vong, thai phụ mắc bệnh tim còn gặp nhiều biến chứng khác như suy tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, sẩy thai, sanh non, thai kém phát triển. Bản thân con của những phụ nữ này cũng có thể mắc bệnh tim từ người mẹ. Chẳng hạn 50% thai phụ bị bệnh cơ tim phì đại sẽ truyền bệnh này cho con. Mẹ có bệnh van động mạch chủ bẩm sinh thì nguy cơ truyền sang con là 20%. Mẹ hẹp eo động mạch chủ thì con có 3% nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh. Mẹ mắc chứng thông liên thất thì con có 4 - 11% nguy cơ bệnh giống mẹ.

Vì sao thai phụ mắc bệnh tim gặp nguy hiểm?

TS-BS Võ Thành Nhân, Phó Khoa Tim mạch BV Chợ Rẫy, giải thích: “Bắt đầu vào tuần thứ sáu của thai kỳ, để nuôi dưỡng thai nhi, khối lượng máu ở phụ nữ sẽ tăng lên. Tới 3 tháng giữa của thai kỳ, lượng máu có thể tăng đến 150% so với khi chưa có thai và tình trạng này được duy trì suốt thai kỳ. Nhìn chung, trong thai kỳ, tổng lượng nước trong cơ thể tăng thêm 6 - 8 lít. Ở người bình thường, việc gánh một lượng máu quá nhiều như vậy đã khó khăn huống hồ ở người bệnh tim. Ngoài ra, sự lo lắng và đau đớn trong lúc chuyển dạ cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng tim.

Biết trước sẽ tốt hơn

Mặc dù bình thường bản thân thai phụ có thể có nhiều dấu hiệu của người bị bệnh tim như mệt nhọc, khó thở khi nằm, giảm khả năng gắng sức, thậm chí ngất xỉu nhưng theo TS-BS Trần Sơn Thạch, Trưởng Khoa Sản bệnh BV Hùng Vương, với các phương tiện chẩn đoán hiện tại thì việc phát hiện bệnh tim không khó nếu thai phụ đi khám thai đúng lịch hẹn và quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn. Ông nói: “Nếu biết trước thai phụ mắc bệnh tim, bác sĩ sản khoa sẽ hội chẩn kịp thời với bác sĩ tim mạch để tìm phương thức giải quyết thích hợp. Trường hợp có thể mang thai, thai phụ sẽ được khuyên cách theo dõi tình trạng bệnh tim trong thai kỳ. Cuối cùng, khi vào cuộc sanh, những thông tin về bệnh tim của thai phụ là cơ sở quan trọng để giúp các bác sĩ đưa ra những can thiệp thích hợp nhằm có được một cuộc sanh “mẹ tròn, con vuông””.

Phan Sơn


PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM:

Phụ nữ nên siêu âm tim trước khi lập gia đình

. Phóng viên: Thưa PGS, hiện nay Viện Tim đã triển khai được những phương pháp nào để điều trị bệnh tim trên người mang thai?

- PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh: Đối với thai phụ mắc bệnh tim, trong những năm qua Viện Tim đã triển khai được nhiều phương pháp khác nhau như điều trị nội khoa bằng thuốc, nong van 2 lá bằng bóng nếu bệnh nhân có hẹp van, phẫu thuật tim kín hẹp van 2 lá, phẫu thuật tim hở bệnh van 2 lá hoặc bệnh van động mạch chủ... Nhìn chung, chúng ta đã tiếp cận được trình độ y khoa thế giới, vì ở những nước tiên tiến người ta cũng chỉ áp dụng những phương pháp này. Nhưng ở ta thì chi phí lại rẻ, chỉ bằng 1/10 ở nước ngoài.

. Bệnh tim phụ nữ còn khá phổ biến ở nước ta, phần lớn lại chỉ được phát hiện khi mang thai, vậy để giải quyết chuyện này thì theo PGS nên làm gì?

- Tôi nghĩ mọi phụ nữ nên siêu âm tim trước khi lập gia đình. Chi phí cho một lần siêu âm chỉ trên dưới 90.000 đồng, nhưng giúp phát hiện được hầu hết những chứng hẹp, hở van, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, các bệnh tim bẩm sinh. Khi biết được các bất thường này, người thầy thuốc sẽ cố vấn cho bệnh nhân nên có thai hay không, hoặc điều trị tích cực bệnh tim (phẫu thuật, thay van) trước khi mang thai để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và con. Tôi đã gặp khá nhiều thai phụ mắc bệnh tim rất nặng mà không hề hay biết. Đến khi có thai mới biết thì nguy hiểm cho tính mạng hoặc gây khó khăn cho việc điều trị.

P.S


Thấp khớp cấp, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở thai phụ

Đó là nhận xét của TS-BS Võ Thành Nhân, Trưởng đơn vị Tim mạch học can thiệp, Phó Khoa Tim mạch BV Chợ Rẫy. Là người trực tiếp nong van bằng bóng cho nhiều thai phụ bị hẹp van 2 lá, ông băn khoăn khi phần lớn chị em đều không biết hoặc xem thường thấp khớp cấp, căn bệnh thường dẫn đến biến chứng hẹp van 2 lá. Mới nhất, vào ngày 21-8, ông can thiệp cho bệnh nhân H.T.B.L, 26 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 4, mang thai con so 4 tháng rưỡi và bị hẹp van 2 lá khít. Khi còn độc thân, chị L. không biết mình bị bệnh tim và cũng cho rằng mình chưa hề bị thấp khớp cấp.

Theo TS Nhân, trong không ít trường hợp, thấp khớp cấp không có biểu hiện rõ rệt ở khớp mà bệnh tấn công trực tiếp vào tim và gây bệnh trên van tim. Một khi mắc bệnh thấp khớp cấp, nếu bệnh chưa gây biến chứng ở tim, bệnh nhân phải tiêm thuốc hoặc uống thuốc phong thấp đến năm 25 tuổi, còn nếu có biến chứng ở tim thì phải dùng thuốc suốt đời. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc nhận thức chưa đúng, phần lớn bệnh nhân lại không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, kết quả là bệnh âm thầm tấn công vào tim hoặc nếu có sẵn thì tiến triển nặng hơn cho đến lúc có triệu chứng suy tim thì mọi sự đã muộn màng.

TS Nhân cho biết, trong quá trình tiến triển của bệnh, hẹp van 2 lá sẽ làm tăng áp lực động mạch phổi và khi có thai áp lực sẽ còn tăng cao hơn nữa. Khi tăng áp lực động mạch phổi mà có thai thì nguy cơ tử vong của mẹ là 30% - 70%, của con là 40%. Thai phụ có thể chết vào bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là giai đoạn chuyển dạ và tuần lễ đầu sau sanh. Vì thế, để an toàn, nếu muốn có con, phụ nữ hẹp van 2 lá nên nong van bằng bóng hoặc phẫu thuật tim kín trước khi có thai. Nếu để trễ, phát hiện bệnh khi đã mang thai thì vẫn có thể nong van bằng bóng, nhưng nếu làm trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật do nhiễm tia X.

P.S

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]