Nhận biết, phòng ngừa và điều trị bệnh do Rhinovirus

Đợt rét lịch sử kéo dài gần 40 ngày vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, làm nhiều trẻ tử vong vì viêm phổi. Bệnh diễn biến rất nhanh, phần lớn các cháu nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng.

0

Đợt rét lịch sử kéo dài gần 40 ngày vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, làm nhiều trẻ tử vong vì viêm phổi. Bệnh diễn biến rất nhanh, phần lớn các cháu nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng.

Khám chữa bệnh cho trẻ tại BV Nhi Trung ương.          Ảnh: PV

Thời điểm phát bệnh thường vào những ngày trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời hạ thấp dưới 10oC. Người trưởng thành, người già cũng mắc nhưng nhiều hơn cả là trẻ nhỏ. 19 cháu bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị phần lớn dưới 6 tháng tuổi, có những cháu chỉ 2-3 tháng tuổi. Tất cả các cháu đều đến từ các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang và Đông Anh (Hà Nội); nhiều nhất ở Đông Anh; đều bị viêm phổi cấp nặng và rất nặng. 10 cháu đã tử vong, 6 cháu hiện vẫn phải nằm viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phải thở máy (một cháu trong số này đã qua được cơn nguy kịch). Cũng trong thời gian này, ở Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn cũng  tiếp nhận rất nhiều cháu bị bệnh đường hô hấp, trung bình mỗi ngày có đến vài chục cháu nhập viện có bệnh cảnh tương tự các trường hợp nói trên; một số cháu bị viêm phổi rất nặng, phần lớn các cháu cũng đến từ các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Điểm chung là các cháu này đều có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện chăm sóc vệ sinh, dinh dưỡng kém: các cháu bị mẹ bỏ rơi, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, cơ thể yếu ớt lại sống tập thể, việc phòng chống rét chắc chắn không thể chu đáo bằng ở nhà, rất dễ bị nhiễm lạnh.

Thủ phạm gây bệnh được xác định là do Rhinovirus. Các labo trong nước và của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ thuộc Đại học Oxford (Anh quốc) cũng xác nhận điều này. Rhinovirus có mặt khắp nơi trên thế giới, được định danh từ những năm 1950. Chúng cộng sinh trong cơ thể, thường cư trú ở họng, hầu, đường tiêu hóa; đội ngũ khá đông đảo, với hơn 110 chủng khác nhau và vẫn được coi là một trong những nguyên nhân chính gây hội chứng cảm lạnh hay viêm đường hô hấp trên như vẫn thường thấy. Chúng thường hoạt động mạnh vào đầu mùa xuân và mùa hè-thu; có thể sống trên da và trên các vật dụng như điện thoại hay tay nắm cửa dính nước mũi, nước dãi trẻ ốm... được 3 giờ đồng hồ. Độc lực của chúng không cao, trong điều kiện bình thường, chúng chung sống hòa bình với cơ thể, hiếm khi gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; không đủ mãnh độc để gây tử vong mà thường chỉ gây viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng nhẹ và không điển hình như: sốt 38oC hoặc hơn một chút, ho, hắt hơi, sổ mũi nhẹ, mệt mỏi... ít khi gây viêm phế quản, viêm phổi; càng không có nguy cơ gây ra bệnh cảnh viêm phổi nặng hay tử vong. Bệnh diễn biến trong 4-9 ngày, thường tự khỏi và không để lại di chứng gì.

Về cấp độ nguy hiểm, Rhinovirus không thuộc nhóm tác nhân gây các bệnh nguy hiểm như cúm, chân - tay - miệng, SARS... Giáo sư Hoàng Thủy Long- một chuyên gia đầu ngành về vệ sinh - dịch tễ cũng nhận định: thủ phạm gây bệnh viêm phổi cấp trẻ em ở đây không phải là một virut lạ hay đã biến đổi, đã thay đổi độc lực; hằng năm vào mùa này vẫn có người mắc bệnh viêm đường hô hấp do virut này chứ không phải là một bệnh mới; năm nay do trời rét kéo dài, làm sức đề kháng của trẻ bị giảm sút nhiều; nếu điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng không bảo đảm, lại đồng nhiễm các virut khác như Adenovirus, virut gây hợp bào đường hô hấp (RSV)... hay bội nhiễm vi khuẩn thì bệnh dễ diễn biến nặng lên. Rõ ràng, viêm phổi cấp trẻ em xảy ra năm nay là do nhiều nhân tố phối hợp, trong đó thời tiết quá rét và rét kéo dài là nhân tố nguy hiểm, chứ không chỉ đơn thuần do Rhinovirus. Do đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con em mình, đặc biệt phải cho các cháu ăn uống đầy đủ, và lo cho các cháu đủ ấm (có đủ chăn ấm, đủ quần áo ấm, mũ ấm, tất, găng, hay  bao tay...), lau rửa, tắm gội... cho trẻ bằng nước ấm. Các cháu có cơ địa yếu càng cần được chăm sóc chu đáo hơn và có biện pháp phòng chống rét tốt hơn.

Về điều trị, hiện chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có được phác đồ điều trị hiệu quả nhất bệnh viêm phổi cấp do Rhinovirus. Cũng như các bệnh do virut khác, chủ yếu điều trị triệu chứng: hạ nhiệt nếu trẻ sốt cao, cho dùng thuốc kháng sinh chống bội nhiễm vi khuẩn, bù nước - điện giải; nếu suy thở phải cho thở máy; đặc biệt chú trọng các biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể các cháu như dinh dưỡng đủ chất, nếu trẻ không bú được, không ăn được phải nuôi dưỡng bằng ống thông dạ dày hay tiêm truyền tĩnh mạch; giữ ấm cơ thể; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh...

Về phòng bệnh, hiện chưa có vaccin phòng bệnh do Rhinovirus. Bệnh lây theo đường hô hấp, nhưng chỉ lan truyền trong phạm vi hẹp (như trong trại trẻ), không lan thành đại dịch, do đó mọi người không nên lo lắng quá mức nhưng cũng không được chủ quan, lơ là phó mặc việc trông nom con cái cho người giúp việc, nhất là khi thấy trẻ có dấu hiệu khó ở. Trẻ bị lây bệnh do tay bị dính nước dãi, nước mũi trẻ ốm rồi quệt vào mắt, mũi, hoặc do hít phải các giọt nước bọt li ti (có chứa virut) bắn ra mỗi khi trẻ ốm, ho, hắt hơi. Các gia đình có cháu nhỏ, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhất là trong tiết trời giá lạnh rét đậm, rét hại kéo dài cần đặc biệt chú ý chăm sóc vệ sinh cho các cháu (như thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay sau khi có tiếp xúc với nước mũi, dãi trẻ ốm); thường xuyên nhỏ mũi thuốc sát khuẩn; nuôi dưỡng chu đáo; giữ ấm cơ thể; trên đường đến trường hay vườn trẻ, lớp mẫu giáo nhớ cho trẻ đeo khẩu trang; không cho trẻ khỏe tiếp xúc với những người có biểu hiện cúm, hay viêm đường hô hấp trên; bảo đảm trẻ được tiêm chủng định kỳ đầy đủ theo đúng lịch tiêm chủng của cơ quan y tế địa phương.

Khi thấy các cháu nhỏ trong nhà có các dấu hiệu như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần cảnh giác cho trẻ nghỉ học, không đến nơi đông người, nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm, giữ ấm cơ thể, bảo đảm nuôi dưỡng chu đáo... Khi thấy bệnh có dấu hiệu trở nặng như: sốt cao lên, ho nhiều hơn, có vẻ khó thở, mệt mỏi... cần cho trẻ đi khám ở chuyên khoa nhi ngay để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng cách.
 

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]