Tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường

Tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường rất thường gặp và là yếu tố làm tăng nặng mức độ của đái tháo đường.

15.4875

Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) tuy là hai bệnh riêng biệt, nhưng thực tế lại có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ các bệnh này đang tăng dần theo lứa tuổi, đồng thời, THA ở bệnh nhân ĐTĐ rất thường gặp và là yếu tố làm tăng nặng mức độ của ĐTĐ. Tỉ lệ THA ở các bệnh nhân ĐTĐ cao hơn ở người bình thường, cụ thể: có đến 20-60% người ĐTĐ mắc bệnh tăng huyết áptỉ lệ mắc THA trên bệnh nhân ĐTĐ cao hơn nhóm người không bị ĐTĐ 1,5-3 lần.

Những nguy cơ THA ở người bệnh ĐTĐ

Do THA và ĐTĐ đều là những yếu tố nguy cơ chính của biến chứng mạch máu lớn và biến chứng vi mạch nên bệnh nhân ĐTĐ kèm THA thì nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh thận và bệnh võng mạc tăng rất cao. Đáng chú ý hơn, trên nhóm bệnh nhân có cả ĐTĐ và THA thì nguy cơ xuất hiện suy thận nặng cao gấp 5-6 lần so với bệnh nhân THA đơn thuần.

THA ở bệnh nhân ĐTĐ làm nguy cơ tim mạch, bệnh lý mạch vành và đột quỵ cao gấp 2-3 lần so với ở người không mắc ĐTĐ. Khi dân số thế giới đang già đi, kèm theo tỉ lệ mắc các bệnh lý chuyển hoá và THA tăng lên sẽ trở thành vấn đề lớn đối với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Ảnh minh họa

Biến chứng thận do ĐTĐ cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ, tỉ lệ này tăng theo thời gian bị ĐTĐ và có tương quan chặt chẽ với các biến chứng mạn tính khác. Ở các nước công nghiệp phát triển thì bệnh thận do ĐTĐ là một nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, chiếm 1/4 trường hợp cần lọc máu hoặc ghép thận. Microalbumin niệu dương tính thường xuất hiện sớm và là yếu tố dự đoán rất có giá trị về nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ.

Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu lớn (xơ vữa mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não) cao gấp 2-3 lần người không mắc ĐTĐ. Đây có thể là hậu quả của bệnh ĐTĐ và đồng thời cũng có thêm sự góp phần quan trọng của các yếu tố nguy cơ khác như: béo phì, THA, rối loạn mỡ máu, kháng Insulin. Ở các bệnh nhân ĐTĐ có các bệnh lý mạch máu lớn thì tăng huyết áp sẽ làm cho các tổn thương mạch máu trở nên trầm trọng hơn.

Thời điểm xuất hiện THA có sự khác biệt giữa 2 nhóm bệnh nhân ĐTĐ typ 1 và typ 2. Trên bệnh nhân ĐTĐ typ 1, THA thường xuất hiện vài năm sau khi chẩn đoán ĐTĐ và thường có liên quan đến biến chứng thận do ĐTĐ. Còn trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 thì THA có thể xuất hiện ngay ở thời điểm chẩn đoán hay cả trước khi chẩn đoán ĐTĐ và có thể cùng xuất hiện với các yếu tố nguy cơ khác của bệnh lý tim mạch, các yếu tố này đều có cùng một rối loạn tiềm ẩn là đề kháng Insulin và tăng Insulin máu.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]