Thừa vitamin cũng gây bệnh?

Nếu lạm dụng vitamin sẽ gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe, làm phát sinh bệnh do dư thừa vitamin.

15.6089

Theo Tuổi trẻ Online, vitamin là những chất dinh dưỡng cần được cung cấp hằng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng số vitamin cần thiết có đến 13 loại, gồm bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và chín vitamin tan trong nước như C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…).

Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ phơi nắng thích hợp, ta có thể biến tiền vitamin D ở da thành vitamin D, hay trong ruột của ta có sẵn nhiều loại vitamin nhóm B nhưng lại do vi khuẩn tạo ra) nên phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin.

Nếu được cung cấp qua thức ăn, thức uống, dù ăn uống nhiều ta vẫn không sợ thừa vitamin. Nhưng nếu dùng thuốc hay chế phẩm (hiện nay vitamin có thể lưu hành dưới dạng chế phẩm thực phẩm chức năng) bổ sung, sẽ có trường hợp bổ sung quá nhiều vitamin, đặc biệt bổ sung quá liều khuyến cáo hằng ngày cho người không thiếu vitamin có thể gây tình trạng thừa vitamin nhiều khi nguy hiểm không kém tình trạng thiếu vitamin. Vitamin cũng như các chất dinh dưỡng khác được khuyến cáo dùng liều vừa đủ hằng ngày gọi là liều RDA, như RDA của vitamin C hằng ngày chỉ cần bổ sung 60mg.

Một số bệnh lý có thể gọi là ngộ độc do thừa vitamin

Vitamin A: Báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc, biệt hóa tế bào biểu mô, tham gia tái tạo xương, được chỉ định điều trị những bệnh về mắt, xương, da...

Liều cao có thể gây ngộ độc vitamin A; ở trẻ em có thể làm tăng áp lực nội sọ, đau xương, viêm da, viêm teo thần kinh thị giác, mù. Đối với người lớn, thừa vitamin A có thể gây đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, suy gan, tăng canxi máu, rối loạn tâm thần, gây quái thai ở phụ nữ có thai.

Vitamin B6: Là coenzym trong chuyển hóa acid amin, tham gia vào quá trình tạo máu, tái tạo tổ chức biểu mô; đồng thời tham gia chuyển hóa trytophan thành serotonin, một chất quan trọng của hệ thần kinh.

Việc dùng liều cao hoặc dùng kéo dài nhiều tháng có thể gây thừa vitamin B6, biểu hiện bằng viêm đa dây thần kinh, giảm sút trí nhớ, tăng men gan...

Vitamin B12: Là coenzym tham gia tổng hợp acid nucleic và myelin nên có vai trò trong cấu tạo và hoạt động của hệ thần kinh, tạo máu, tái tạo nhu mô gan.

Thừa vitamin B12 (thường do tiêm liều cao), có thể gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông, gây tắc mạch.

Vitamin C: Có vai trò tham gia cấu trúc của tổ chức liên kết, tổng hợp catecholamin, trung hòa các gốc tự do, làm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Việc dùng liều cao có thể gây tan máu, nhất là ở những người thiếu men glucose 6 photphat dehydrogenase, người đang có tăng sắt huyết thanh. Tình trạng trên cũng có thể làm tăng tạo gốc tự do, mất ngủ, kích động, sỏi thận, giảm tiết insulin, giảm thời gian đông máu...

Vitamin D: Có vai trò trong tái tạo xương, làm tăng hấp thu canxi từ ruột và điều hòa mức canxi máu.

Thừa vitamin D sẽ làm tăng canxi máu; ở trẻ dưới 1 tuổi có thể gây kích thích, co giật, xương hóa sụn sớm. Với người lớn, liều cao có thể gây chán ăn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tâm thần, thậm chí có thể tử vong.

Vitamin E: Tham gia ngăn cản quá trình ôxy hóa lipid ở màng tế bào, chống ôxy hóa.

Thừa vitamin E có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn thị giác, ức chế chức năng sinh dục, gây tổn thương thận.

Riêng đối với người cao tuổi, các cơ quan thải trừ thuốc hoạt động kém, dễ đưa đến tích lũy thuốc trong cơ thể, đặc biệt đưa đến thừa vitamin.

Nên đọc

Nhiều vitamin khác khi thừa cũng có thể gây bệnh, nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, cần quan niệm rằng vitamin cũng như các loại thuốc khác, nếu không có chỉ định thì không dùng. Khi sử dụng vitamin, cần tránh gây trạng thái thừa.

Khi không thiếu vitamin thì không cần bổ sung bằng thuốc mà có thể sử dụng vitamin dưới dạng thức ăn. Nếu dùng thuốc, nên chọn đường uống; trừ khi ống tiêu hóa không hấp thu được vitamin hoặc phải nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa.

Liều lượng vitamin phải tùy theo tình trạng của mỗi người (trẻ em, người lớn, phụ nữ có thai, trạng thái bệnh lý...). Không nên dùng phức hợp thuốc nhiều loại vitamin tan trong dầu, vì dễ gây tình trạng tích lũy vitamin.

Lưu ý thận trọng với dạng thuốc sủi bọt bổ sung vitamin. Do dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat và natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với acid citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt).

Vì vậy, trong thuốc sủi bọt luôn chứa natri (mỗi viên thuốc sủi bọt có chứa 274 - 460mg natri), có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Người cao tuổi đang điều trị bệnh tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc bổ sung vitamin dạng sủi bọt.

Thuốc tham khảo: Vitamin B6 25mg

Phòng và điều trị các trường hợp thiếu vitamin B6.
Nhiễm độc thai nghén, bệnh Parkinson, chứng múa giật, viêm đa dây thần kinh, viêm gan cấp, thiếu máu nhược sắc..
Dùng phối hợp với INH trong điều trị lao

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]