Ẩn họa từ phụ gia thực phẩm

Trứng gà có sử dụng phẩm độc Sudan, hạt trân châu chứa nhựa, hạt dưa, ớt bột chứa Rodamin, thịt lợn biến thành thịt bò nhờ thuốc, quả táo, quả cam để cả tháng không hỏng… là những tiếng chuông báo động cho tình trạng lạm dụng phụ gia trong thực phẩm hiện nay.

15.6004

Có quá nhiều chất phụ gia bán trôi nổi trên thị trường nhưng không qua kiểm tra chất lượng.

CôngThương - Sử dụng phụ gia tràn lan

Theo số liệu của Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong 203 mẫu nguyên liệu gồm 9 loại màu trong thực phẩm thì 100% các mẫu có màu xanh dương, tím nho, hồng đều là những màu không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Còn theo Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, 60/60 tức 100% mẫu cá hộp ngâm dầu có sử dụng chất bảo quản Natri Benzoat, một chất mà chỉ cần bị 2g/kg trọng lượng cơ thể xâm nhập đã có thể gây tử vong.

Trên thị trường hiện nay, nhiều loại bánh, kẹo (như su sê, thạch, nước trái cây…), nước giải khát được nhuộm màu lòe loẹt. Nếu những sản phẩm này cho dù có dùng đúng loại phẩm màu (Bộ Y tế cho phép) thì cũng đã lạm dụng quá liều nên màu rất đậm, chứ chưa nói đến khả năng cơ sở sản xuất dùng phẩm màu độc hại.

Trên thực tế, người tiêu dùng thường thích thực phẩm có màu sắc đẹp, bắt mắt, mùi thơm, vị đậm đà, hoặc nhiều món ăn phải có độ dai, độ dòn… Nắm được tâm lý đó, các nhà sản xuất chế biến thực phẩm luôn tìm mọi cách tạo ra sản phẩm thỏa mãn thị hiếu đó của người tiêu dùng. Trong đó, sử dụng chất phụ gia là biện pháp thông dụng nhất.

Hậu họa khôn lường

Tuy nhiên, phụ gia không phải là thực phẩm. Nếu sử dụng tùy tiện, không đúng chủng loại (nằm ngoài danh sách phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép), không đảm bảo độ tinh khiết và quá liều lượng thì phụ gia sẽ trở thành “thuốc độc” đối với sức khỏe con người.

Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, đặc biệt các cơ sở tư nhân nhỏ đã sử dụng phụ gia công nghiệp (thay vì phụ gia dùng trong chế biến thực phẩm), như phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản độc hại nhằm giảm chi phí. Các loại phụ gia này chứa nhiều tạp chất (độ tinh khiết thấp) và kim loại nặng, cực kỳ độc hại cho con người.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sản phẩm tương ớt, bột cari chứa phẩm màu Sudan, Rhodamin B. Hai chất này khi đi vào cơ thể sẽ gây đột biến gen, ung thư. Đặc biệt, nếu chất Rhodamin B tích tụ lâu trong cơ thể, nó sẽ phá hủy cơ quan nội tạng như gan và thận.

Đối với hóa chất bảo quản formol, hàn the và bột sắt là ba chất thường dùng ở Việt Nam. Nó cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ có thai. Bởi ba hóa chất này đều gây ra sai lệch, biến dị nhiễm sắc thể, ảnh hưởng sự phát triển của bào thai.

Do đó, sử dụng phụ gia độc hại trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ hiện tại, mà nó còn hủy hoại sức khỏe của thế hệ tương lai.

Khó quản lý

Tại buổi hội thảo “ATTP với sức khỏe cộng đồng- phụ gia thực phẩm- nguy cơ tiềm ẩn” diễn ra ngày 10/5, GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, đã phân tích những khó khăn thách thức trong quản lý ATVSTP. Hiện nay, Việt Nam chưa thể quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm theo quy trình sản xuất “từ đồng ruộng tới bàn ăn”. Bởi lẽ, người dân trồng trọt, chăn nuôi theo từng hộ nhỏ lẻ với kỹ thuật lạc hậu, khó kiểm soát được loại thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng đã sử dụng. Hay như trong nuôi trồng thủy sản, chúng ta cũng chưa kiểm soát được vùng nuôi, quy trình sơ chế, bảo quản thủy sản. Trong khi đó, kỹ thuật chế biến lại chủ yếu là thủ công với quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát hoạt động nhập lậu phụ gia tại các vùng biên giới chưa hiệu quả. “Chỉ cần 5kg phụ gia nhập vào nước ta, nó sẽ hiện diện trong bữa ăn của hàng chục triệu người Việt Nam”- ông Khẩn ví dụ về sự nguy hiểm của tình trạng nhập lậu tràn lan phụ gia từ Trung Quốc.

Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn của nước ta hiện nay, để đảm bảo ATTP, đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải có sự phối kết hợp chặt chẽ. Đặc biệt, phải chú trọng đến công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm không vì lợi nhuận trước mắt mà hủy hoại sức khỏe đồng bào mình, như lời kêu gọi của bà Nguyễn Thị Trân Châu, Hội trưởng Hội Nữ trí thức Việt Nam.

Phượng Nguyễn

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]