Không rõ anh có phải phẫu thuật trực tràng không vì nếu phải phẫu thuật
làm hậu môn nhân tạo thì chế độ ăn sẽ có một số chi tiết kỹ thuật khác.
Về mặt cơ bản, anh cần chú ý một số chi tiết về dinh dưỡng như sau:
- Phải ăn đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không
được kiêng khem, nhịn ăn, ăn ít. Trong thực tế lâm sàng, chúng tôi từng
gặp nhiều trường hợp bệnh nhân sau điều trị ung thư có quan điểm không
nên ăn nhiều, thậm chí nhịn đói, chỉ ăn gạo lức, chỉ ăn rau để các tế
bào ung thư bị “chết đói”.
Đây là một quan niệm rất sai lầm. Nếu không
cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, cơ thể sẽ không đủ sức để
chống lại các tế bào ung thư và phục hồi sức khỏe sau khi áp dụng các
phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh nếu bệnh nhân ung thư được nuôi
ăn sớm, nuôi ăn tốt với mức năng lượng cao sẽ mau lành bệnh, giảm nguy
cơ di căn, tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Anh nên ăn ngày 3 bữa chính và một đến hai bữa phụ: Các bữa ăn chính
cần đầy đủ các nhóm thực phẩm: Chất đạm (ưu tiên chọn cá, đậu hũ, tôm,
thịt gà, thịt heo), chất béo (chỉ sử dụng dầu thực vật, không ăn các
loại mỡ động vật), chất bột đường (nên ăn gạo lức, gạo xát dối), rau
(chọn các loại rau có lá, bông cải xanh, trắng, bắp cải, cà rốt, bí
đỏ…), trái cây (nên ưu tiên chọn các trái cây họ cam bưởi như bưởi, cam,
quýt, thanh long, dưa hấu…). Bữa phụ anh nên dùng sữa chua, sữa giàu
năng lượng như Enplus, Sure Prevent, Prosure.
- Các thực phẩm anh nên hạn chế ăn: Tim, gan, cật, lòng, óc, da của gia
súc gia cầm, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, bơ, tuyệt đối
không uống bia rượu, không hút thuốc lá, thuốc lào.
Nên uống nhiều nước ít nhất 2 lít một ngày. Thức ăn nên nấu mềm, không ăn sống, tái.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Vnexpress