​Bệnh lý về lưỡi - biện pháp điều trị

Lưỡi thuộc vị giác, cho ta cảm nhận được mùi vị của của cuộc sống từ thức ăn, nước uống…

15.6069

Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta một cái lưỡi hết sức kỳ diệu, góp phần tạo nên 5 giác quan của con người, từ khứu giác tức là ngửi ở mũi, thị giác tức là nhìn ở mắt, thính giác tức là nghe ở tai, vị giác tức là nhận được từ lưỡi các mùi vị mặn, ngọt, chua, cay… và xúc giác tức là cảm nhậṇn ở ngoài da. Lưỡi thuộc vị giác, cho ta cảm nhận được mùi vị của của cuộc sống từ thức ăn, nước uống…

Bệnh lý về lưỡi và nguyên nhân

Ở điều kiện sinh lý bình thường, lưỡi nằm bên trong miệng, là một cơ quan có nhiều cơ, được bao phủ bởi niêm mạc lưỡi, nằm ở nền miệng và ở phía trước hầu, với chức năng quan trọng là nhai, nuốt, nếm và nói.

Mặt trên của lưỡi có những hạt sần nhám, gọi là gai lưỡi, nơi cảm nhận của vị giác. Cuống lưỡi có những thớ tế bào giống như sợi tóc; phần chóp lưỡi nơi tập trung nhiều tề bào thần kinh với chức năng quan trọng gọi là vị giác, vị mặn và vị ngọt được cảm nhận ở đầu lưỡi, vị chua được cảm nhận ở hai bên cạnh lưỡi và vị đắng được cảm nhận ở phần cuối lưỡi.

Lưỡi khỏe mạnh có màu hồng tự nhiên và mịn. Bên cạnh những chức năng quan trọng thì lưỡi cũng là nơi xảy ra nhiều bệnh lý, từ những sang thương nhẹ tại chỗ, đến những bệnh lý trầm trọng khác. Về nguyên nhân, rất đa dạng và phức tạp, có thể gặp bất thường về giải phẫu của lưỡi, làm cho lưỡi phì đại hay dễ bị nứt; có thể gặp do nhiễm trùng ở lưỡi hay do virus như bệnh loét lưỡi do Apthes, loét do Herpes hay HIV; do nấm thường nhất là nấm Candida. Có thể gặp tổn thương lưỡi trong chấn thương hay do răng cắn vào lưỡi khi nhai, do một số bệnh toàn thân, do suy dinh dưỡng, do thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin đều có khả năng ảnh hưởng đến lưỡi…

Triệu chứng các bệnh lý về lưỡi

Về triệu chứng lâm sàng, tuỳ thuộc vào từng bệnh mà có những biểu hiện khác nhau:

Viêm lưỡi có dạng hình bản đồ, là một loại viêm với biểu hiện thành từng mảng làm trụi gai lưỡi, nhìn vào thấy có những viền đỏ hay trắng, có hình vằn vèo giống hình bản đồ, nên gọi là viêm lưỡi bản đồ. Bệnh có triệu chứng khởi đầu bằng một vết nhỏ, màu trắng xám hơi gờ cao ở đầu lưỡi hoặc rìa lưỡi, dần dần lan rộng, đỏ, nhẵn trụi gai lưỡi, hình ảnh thay đổi từng ngày, không đau, tiến triển dai dẳng. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn hay virus, bệnh có thể tự khỏi hoặc có thể thoa các thuốc sát khuẩn thông thường.

Loét lưỡi do Apthes, bệnh trong dân gian còn gọi là đẹn trăng. Bệnh lý thường gặp và các nhà khoa học thấy có khoảng 20% trong dân số, thường mắc ở nữ giới và tuổi học đường. Bệnh với biểu hiện lâm sàng khởi đầu là một hay nhiều mụn nước, màu vàng khó thấy, sau khoảng vài giờ các mụn nước này vỡ ra để lại vết loét, nông, hình tròn từ 3-12mm, bờ rất rõ, đáy màu vàng giống như bơ tươi, chung quanh có một viền màu đỏ tươi, mỗi đợt có thể xuất hiện từ 1-3 vết loét nhưng cũng có thể nhiều hơn, vết loét thường ở mặt bụng lưỡi hay ở chóp lưỡi.

Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ, tuy nhiên có một số yếu tố liên quan như thiếu vitamin C, PP, B6; do nhiễm vi khuẩn hay virus; do dị ứng thuốc hay thức ăn; do rối loạn nội tiết khi hành kinh, có thai, mãn kinh; do di truyền; do tâm lý như xúc cảm - lo lắng; do miễn dịch…

Về điều trị, tránh ăn thức ăn kích thích như chua, cay, mặn… giảm đau và chống viêm có thể dùng Acide Acetyl Salicylique, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn 4-5 lần/ngày, trước bữa ăn nửa giờ, hoặc có thể chấm tại chỗ như Kamistad-Gel, Mỡ Tetracycline, Corticoide…

Tổn thương lưỡi dạng bạch sản, là những mảng trắng đồng đều thường xuất hiện ở bờ bên của lưỡi, đa số là lành tính nhưng vẫn có thể trở thành ác tính, vì vậy cần được bác sĩ chuyên khoa ung bướu khám và làm sinh thiết là cần thiết để đánh giá được mức độ loạn sản.

Ung thư lưỡi, bệnh thường gặp là ung thư tế bào vẩy, đây là loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng và lưỡi. Ung thư có thể xuất hiện dưới hình thức là một bạch sản trước đó, hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì. Triệu chứng thường gặp là phát hiện thấy một vết loét lâu lành, màu trắng hay đỏ ở bờ bên của lưỡi, không đau; bệnh được chẩn đoán qua giải phẫu bệnh; điều trị phẫu thuật sớm có thể kết hợp với hóa hay xạ trị.

Bệnh nứt lưỡi, là một tình trạng bẩm sinh, lành tính, trên bề mặt lưỡi có các rãnh sâu, trong đó có rãnh sâu nhất, rộng nhất chạy dọc ở chính giữa lưỡi, các rãnh ở rìa lưỡi thì ngắn hơn và nông hơn, niêm mạc lưỡi vẫn bình thường, vẫn phủ lên các rãnh đó, không đau, không cộm nhưng dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm thứ phát nếu vệ sinh không tốt.

Đây là bệnh lành tính và hiện chưa có phương pháp điều trị nào là thỏa đáng, chủ yếu là điều trị tâm lý liệu pháp cho bệnh nhân yên tâm; cần giữ vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm bởi nấm cũng như vi khuẩn hay virus.

Chứng cứng lưỡi, có tên khoa là Ankyloglossia, là một sự phát triển bất thường và ít gặp của lưỡi, bệnh đặc trưng là cử động động tác đưa ra hay đưa lưỡi vào hay đưa qua lại gặp nhiều khó khăn. Bệnh ít ảnh hưởng đến rối loạn phát âm. Về điều trị, phẫu thuật chỉnh hình đơn giản khi cử động của lưỡi bị giới hạn.

Bệnh nhiễm nấm lưỡi do Candida Albican, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Biểu hiện lúc đầu thường xuất hiện ở niêm mạc có tính chất đỏ sẫm, sau đó xuất hiện các mảng trắng như sữa đóng cục lại, các mảng trắng dính chặt vào niêm mạc, cạo mảng trắng thấy niêm mạc đỏ và dễ rịn máu, vị trí thường gặp là lưng lưỡi. Về điều trị, tại chỗ thường dùng Daktarin Oral Gel, đối với trẻ sơ sinh dùng ngón tay quấn gạc, rơ thuốc, với liều bằng nửa muỗng lường (muỗng có trong hộp thuốc dùng để lường liệu lượng thuốc), rơ 2 lần trong ngày; với trẻ lớn và người lớn dùng nửa muỗng lường, 4 lần trong ngày; chú ý không nên nuốt thuốc ngay mà giữ càng lâu thì càng tốt, thời gian điều trị liên tục ít nhất 1tuần. Ngoài Daktarin Oral Gel, có thể dùng Nystatine uống hoặc thoa, với liều dùng cho người lớn 2 đến 4 triệu đơn vị trong một ngày, đối với trẻ em lớn uống nửa liều người lớn; không nên dùng thuốc uống cho trẻ sơ sinh, mà dùng dạng bột rơ miệng ½ gói x 2 lần/ngày.

Tóm lại, lưỡi có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hàng ngày, đem đến cho chúng ta những cảm giác sinh động của của cuộc sống từ thức ăn và nước uống, với những hương vị ngọt ngào, đắng và chua cay…Cho nên, việc phòng bệnh cho lưỡi là việc làm hết sức cần thiết, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bảo vệ lưỡi bằng cách thực hiện tốt vệ sinh răng miệng, khám lưỡi định kỳ, phát hiện sớm những bất thường để điều trị kịp thời, vì bất cứ lý do nào mà lưỡi bị tổn hại đều ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]