Mũi nhọn trong điều trị nhiều bệnh lý về máu

Các tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu về ghép tủy cũng như việc sử dụng nguồn tế bào gốc tạo máu ở máu ngoại vi và máu cuống rốn thay cho tủy xương,

15.6023

cải tiến các phương pháp phòng chống bệnh ghép chống chủ... đã tạo điều kiện tốt cho việc áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, những thành công trong điều trị nhiều bệnh lý huyết học bằng tế bào gốc đang đưa kỹ thuật này trở thành một mũi nhọn.

Mở "cửa sinh" cho nhiều người bệnh

ThS. Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu (HHTM) Trung ương cho biết, trước đây điều trị bệnh lơxêmi cấp chủ yếu chỉ dùng hóa chất, vì máu không thể phẫu thuật và tia xạ như các bệnh ung thư khác. Quá trình dùng hóa chất như con dao hai lưỡi: vừa có tác dụng diệt tế bào ung thư nhưng những tác dụng phụ cũng có thể làm bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị, nhất là đối với những bệnh nhân cơ địa quá mẫn cảm, sức khỏe suy kiệt nhiều. Trong quá trình nghiên cứu, người ta thấy rằng đối với bệnh lơxêmi cấp có thể điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, có thể là ghép tế bào gốc tự thân hoặc ghép tế bào gốc đồng loại. Nhiều điều kỳ diệu được phát hiện khi ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhân lơxêmi cấp. Đó là sau một thời gian điều trị bằng ghép tế bào gốc đồng loại vào cơ thể xảy ra hiện tượng các tế bào mới chống lại chủ và có sự lo ngại. Nhưng ngay sau đó, các chuyên gia về tế bào gốc cũng nhận ra rằng đây là một lợi ích vô cùng quan trọng, các tế bào "chống chủ" này sẽ là nhân tố chống lại các tế bào ung thư máu và giúp người bệnh giảm được điều trị bằng hóa chất.

Hiện tại, ghép tế bào gốc tạo máu đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau thuộc nhiều chuyên khoa như: Các bệnh máu ác tính (đa u tủy xương, u lympho ác tính, lơxêmi), các ung thư dạng đặc (ung thư vú, ung thư thận), các bệnh tự miễn như viêm đa khớp dạng thấp, xuất huyết giảm tiểu cầu... HHTM là chuyên khoa đầu tiên tại Việt Nam triển khai nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả tế bào gốc trong điều trị. Từ năm 1995, Bệnh viện HHTM thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ghép tế bào tủy xương, đến nay bệnh viện đã ghép được 60 trường hợp. Tiếp sau đó, ghép tế bào gốc được thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm HHTM Huế, Bệnh viện 108, Viện HHTM Trung ương. Ngân hàng máu cuống rốn cũng được xây dựng ở Bệnh viện HHTM thành phố HCM với hàng ngàn đơn vị máu cuống rốn, trở thành nguồn tế bào gốc quan trọng cho nghiên cứu và điều trị.

 Bệnh nhân ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Ứng dụng tế bào gốc điều trị bệnh lý huyết học cần được chú trọng phát triển

PGS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện HHTM Trung ương cho biết, trên thế giới, hoạt động nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong lĩnh vực HHTM luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Nhiều nước như Anh, Úc, Nhật Bản... đều đặt các trung tâm tế bào gốc trong các trung tâm truyền máu. Tính đến nay đã có tới 17.000 trường hợp ghép tủy đồng loại và 30.000 trường hợp ghép tủy tự thân được thực hiện tại hơn 500 trung tâm của trên 50 quốc gia. Mặc dù còn nhiều điều kiện hạn chế so với các nước phát triển, song đến nay, Việt Nam đã xây dựng được các trung tâm truyền máu lớn, hiện đại và đồng bộ từ các thiết bị sử dụng cho việc thu gom, tách, lưu trữ, bảo quản tế bào gốc đến các labo miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn rất mới, không chỉ đòi hỏi có trang thiết bị hiện đại mà cần một đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ cao. Để có được những người thực sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, các chuyên gia cho rằng cần phải tuyển chọn những bác sĩ giỏi đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không phải mang tính hàn lâm mà cần được học thực tế chủ yếu trên lâm sàng. Cũng không chỉ đào tạo cho từng cá nhân riêng lẻ mà cần phải cả một teamwork làm việc đồng bộ.

Theo PGS. Trí, để đưa tế bào gốc trở thành một mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý huyết học cần xây dựng các trung tâm tế bào gốc hoàn chỉnh tại Viện HHTM quốc gia, Bệnh viện HHTM thành phố HCM, Trung tâm HHTM Huế. Những đơn vị này vừa sản xuất tế bào gốc, vừa có labo nghiên cứu, vừa là nơi thực hiện ghép cho bệnh nhân, đồng thời cũng là nơi cung cấp tế bào gốc cho tất cả các cơ sở y tế khác thực hiên được kỹ thuật cao này.

Sự phát triển của công nghệ đang tạo điều kiện bùng nổ mạnh mẽ phương pháp điều trị bằng tế bào gốc ở nhiều chuyên khoa trong đó có tế bào gốc tạo máu, điều đó đặt ra cho các nhà chuyên môn Việt Nam có chiến lược đi tắt, đón đầu và cần lựa chọn những lĩnh vực phù hợp nhất vì đây là một kỹ thuật cao, cần chi phí lớn trong nghiên cứu và điều trị.

Bài và ảnh Lê Hảo

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]