Biến chứng của bệnh lao phổi

15.5953

Biến chứng bệnh lao phổi

1. Ho ra máu

Theo Sức khỏe & đời sống, ho ra máu có thể lượng ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu sét đánh là thể ho ra máu nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng. Ho ra máu trên bệnh nhân lao phổi đã được điều trị khỏi, rất hay thường gặp, do di chứng của lao phổi cũ tổn thương nhiều và được điều trị lao muộn.

2. Giãn phế quản

Vi khuẩn lao phá hủy nhu mô phổi, tổ chức xơ phát triển, dây xơ co kéo làm phế quản bị biến dạng hẹp lại. Có khi trong lòng phế quản cũng bị tổn thương. Phế quản của vùng phổi bị lao trước đó có thể bị di chứng giãn phế quản. Đây là di chứng rất thường gặp, cả trẻ em và người lớn.

Đa số giãn phế quản ở nước ta là di chứng của bệnh lao. Triệu chứng của giãn phế quản là khạc đờm mạn tính. Đờm nhày để lắng thành nhiều lớp, khi có nhiễm trùng thì thành mủ.

Một triệu chứng và cũng là biến chứng của giãn phế quản là ho ra máu. Có thể chỉ là máu dính lẫn trong đờm, có thể là ho ra máu lượng nhiều, dai dẳng. Nguyên nhân là các mạch máu ở thành phế quản đã bị giãn nở to ra, khi vỡ gây ho ra máu. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong.

Giãn phế quản không thể chữa khỏi bằng thuốc được. Không nên dùng thuốc ho vì sẽ làm việc dẫn lưu đờm bị trì trệ, bệnh sẽ nặng lên thêm. Trong một số trường hợp, giãn phế quản khu trú và khi có nhiều biến chứng như nhiễm trùng tái diễn, ho ra máu lượng nhiều, có chỉ định mổ cắt bỏ phần phổi bệnh. Trường hợp này giãn phế quản được chữa lành.

3. U nấm phổi Aspergillus

Vi khuẩn lao tấn công vào nhu mô phổi sẽ tạo thành những hoại tử bã đậu, sau khi điều trị ổn sẽ để lại những hang lao. Những hang lao này nếu nhỏ sẽ bị xơ hóa và biến mất, nhưng trường hợp nhu mô phổi tổn thương nhiều tạo thành những hang lớn thì rất khó bị xơ hóa và lấp đầy hang. Hang lao tồn tại lâu ngày có thể bị nấm Aspergillus fumigatus trong không khí bám vào rồi sinh sôi, phát triển thành cục nấm gọi là u nấm phổi. Triệu chứng của u nấm là bệnh nhân ho ra máu, có thể là lượng nhiều, dai dẳng. Khi chụp Xquang hoặc chụp CT ngực, sẽ thấy hình ảnh cục nấm nằm trong hang như cái lục lạc.

Can thiệp duy nhất để điều trị u nấm là phẫu thuật cắt bỏ u nấm. Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng nấm không hiệu quả.

4. Xơ phổi

Vùng nhu mô phổi bị lao khi lành bệnh sẽ thành thẹo, gọi là bị hóa xơ. Nếu ít, không ảnh hưởng đến chức năng phổo. Nếu nhiều quá, phần phổi bị xơ không hoạt động trao đổi khí được, bệnh nhân bị suy hô hấp. Có nhiều người khi chụp phim phổi tình cờ phát hiện có tổn thương xơ, di chứng của lao trước đó đã tự khỏi. Không có điều trị riêng biệt cho di chứng này.

Đây không phải là bệnh xơ phổi mô kẽ, một bệnh lý có nguyên nhân, triệu chứng và điều trị hoàn toàn khác .

5. Tràn khí màng phổi

Các tổn thương dạng bóng khí nằm ở sát bên màng phổi có thể bị vỡ làm không khí tràn vào khoang màng phổi gọi là tràn khí màng phổi. Đây là biến chứng nặng, gây suy hô hấp nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Biến chứng có thể xảy ra sau một gắng sức hoặc không có tác nhân nào cụ thể. Bệnh nhân đột ngột thấy đau ngực, khó thở nhiều hay ít là tùy tình trạng hô hấp trước đó của bệnh nhân.

Nếu là người đã suy hô hấp do di chứng của bệnh phổi khác có sẵn, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, .. thì tràn khí màng phổi sẽ gây suy hô hấp cấp nguy hiểm đến tính mạng. Ở nước ta, sự kết hợp giữa bệnh phổi tắc nghẽn và bệnh lao rất thường gặp và làm cho tình trạng bệnh nhân thêm nguy hiểm. Điều trị tràn khí màng phổi là một cấp cứu, thường là phải đặt ống dẫn lưu khí ra khỏi khoang màng phổi để phổi nở trở lại. Nếu không hiệu quả phải can thiệp phẫu thuật để bít lỗ thủng và cắt bỏ những bóng khí nguy cơ khác.

6. Suy hô hấp mạn tính

Nếu bệnh lao quá nặng, tổn thương phổi nhiều, thì sau khi chữa khỏi di chứng cũng rất nặng nề. Phổi bị xơ hóa nhiều, không hoạt động trao đổi khí được, bệnh nhân sẽ suy hô hấp. Cũng cần nhắc lại việc nghiện hút thuốc lá sẽ thúc đẩy diễn tiến của bệnh nhanh chóng đi đến kết thúc hơn.

Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, là điều kiện cần để chữa lành bệnh lao, tránh được những di chứng và biến chứng nguy hiểm sau này.

Các yếu tố nguy cơ bệnh lao phổi

Lao lan truyền qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn hoạt động. Tiếp xúc gần gũi (kéo dài, thường xuyên, thân mật) là nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất (khoảng 22%, nhưng có thể đến 100%).

Người mắc lao hoạt động không điều trị có thể lây sang 20 người khác mỗi năm. Các nguy cơ khác bao gồm ra đời ở vùng lao phổ biến, bệnh nhân rối loạn miễn dịch (như HIV/AIDS), cư dân hoặc làm việc ở nơi đông người nguy cơ cao, nhân viên chăm sóc sức khoẻ phục vụ đối tượng có nguy cơ cao, nơi thu nhập kém, thiếu vắng dịch vụ y tế, dân thiểu số nguy cơ cao, trẻ em phơi nhiễm với người lớn thuộc nhóm nguy cơ cao, người tiêm chích ma tuý.

Lây truyền chỉ xảy ra ở người mắc bệnh lao hoạt động (không phải lao tiềm ẩn).Khả năng lây truyền phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn của người mắc lao (số lượng tống xuất), môi trường phơi nhiễm, thời gian phơi nhiễm và độc lực của vi khuẩn.

Chuỗi lây truyền có thể được chấm dứt bằng cách cách ly người bệnh ở giai đoạn bệnh hoạt động và áp dụng biện pháp điều trị kháng lao hữu hiệu.

Phân loại lao phổi và lao ngoài phổi

BS Hoàng Xuân Đại cho biết trên Người Lao động, lao phổi là thể lao hay gặp nhất, chiếm tới 80% các trường hợp mắc lao. Đó là những bệnh nhân khi xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao là nguồn lây truyền bệnh cho người sống xung quanh. Cũng có người mắc bệnh lao phổi nhưng xét nghiệm đờm không tìm thấy vi khuẩn lao (do số lượng vi khuẩn này trong ổ tổn thương ít) thì khả năng lây bệnh ít hơn rất nhiều.

Lao ngoài phổi có thể gặp: lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao ruột, lao xương khớp, lao hệ sinh dục - tiết niệu. Những người bị bệnh lao ngoài phổi không có nguy cơ truyền bệnh cho người khác.

Trà Mi

Nên đọc

Nhi Cao - phòng khám dành cho trẻ em có 10 năm kinh nghiệm, với đội ngũ BS, chuyên gia nhi khoa giỏi và nhiệt huyết. Xin gọi 0923 55 9999 hoặc đến 32 Nguyễn Khang, Cầu Giấy để được tiếp đón.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]