Bỏ tiêm viêm gan B: Nguy cơ gây xơ gan

Ước tính hằng năm, Việt Nam có khoảng 55.000 trẻ sinh ra mang virus viêm gan B mạn tính. 1/3 số này sẽ bị xơ gan và ung thư gan sau đó.

15.5888

Do một số trường hợp phản ứng nặng xảy ra sau tiêm văcxin nên tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B 24 giờ sau sinh đã giảm tới mức báo động. Đây là cơ hội bùng phát viêm gan B, là nguy cơ gây xơ gan và ung thư gan cho thế hệ tương lai.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm 10 - 20% dân số, là nguyên nhân dẫn tới hơn 80% các bệnh về gan.
 
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phân tích, hiện có tới 20% người Việt Nam mang kháng nguyên viêm gan B.
 
Khoảng 10% bà mẹ mang thai có mang virus viêm gan B và 90% trong số đó truyền sang con trong quá trình sinh nở.

Văcxin viêm gan B an toàn, không chống chỉ định đối với trẻ sinh non, sinh thiếu cân
 
Trong khi đó, nếu tiêm văcxin viêm gan B mũi 1 trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh sẽ phòng được khoảng 85% nhiễm ở trẻ sơ sinh, kể cả trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B.
 
Trường hợp không tiêm, nếu mẹ có virus viêm gan B thì  90% trẻ sinh ra sẽ bị lây dẫn đến nguy cơ mắc viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.
 
Làm tốt công tác tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh sẽ giảm 16 - 20% người lành mang bệnh cho thế hệ sau, từ đó làm giảm tỷ lệ người bị xơ gan, ung thư gan.
 
Nhưng với tỷ lệ tiêm như hiện nay và ngày càng rớt thêm, ước tính hằng năm, Việt Nam có khoảng 55.000 trẻ sinh ra mang virus viêm gan B mạn tính. 1/3 số này sẽ bị xơ gan và ung thư gan sau đó. Đây là một gánh nặng rất lớn làm tăng chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, văcxin viêm gan B an toàn, không chống chỉ định đối với trẻ sinh non, sinh thiếu cân, tỷ lệ tai biến sau tiêm rất thấp: 1 - 2 trẻ/triệu liều.
 
Khi tiêm, các bà mẹ cần tìm hiểu kỹ các khâu chuẩn bị cho con trước, trong và sau khi tiêm. Lắng nghe tình trạng sức khoẻ của con và thông báo với chuyên gia y tế để quyết định tiêm hay không, khi nào tiêm là tốt nhất và khi tiêm xong phải theo dõi con chặt chẽ.

Theo Thúy Nga - Khoa học và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]