Các biện pháp phòng chống muỗi đốt: Hiệu quả tới đâu?

Nhiều sản phẩm chống, diệt muỗi được quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên, những sản phẩm này hầu hết là không an toàn.

0

Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều các sản phẩm được bày bán với quảng cáo có khả năng phòng chống muỗi. Các sản phẩm này có rất nhiều chủng loại từ thuốc xịt, thoa, dán ngoài da đến các thiết bị như đèn diệt muỗi, máy xông muỗi… và được nhà sản xuất và người bán tuyên bố là “an toàn tuyệt đối” cho người, thậm chí kể cả cho trẻ nhỏ và sơ sinh. Nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn các sản phẩm này sử dụng cho người thân của mình nhằm mục đích phòng chống muỗi đốt để ngừa bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản… do chỉ tin vào lời quảng cáo. Đã có không ít trường hợp xảy ra các tác dụng phụ từ chính các sản phẩm được quảng cáo quá mức này mà hiệu quả phòng bệnh cũng không được đảm bảo.

Các sản phẩm và những nguy cơ

Các loại thuốc xịt, nhang trừ muỗi hoặc máy xông muỗi có tác dụng tiêu diệt hoặc xua đuổi muỗi bằng các hóa chất của nguyên liệu từ các sản phẩm này nhưng có thể gây ra mùi hoặc khói làm khó chịu, đặc biệt là đối với một số người có cơ địa mẫn cảm như: suyễn, viêm mũi dị ứng có thể làm cho khởi phát bệnh. Khói nhang trong quá trình đốt cháy cũng sinh ra nhiều chất có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hô hấp của trẻ nhỏ.

Đèn diệt muỗi hoạt động nhờ vào bóng đèn phát ra ánh sáng của tia cực tím để thu hút muỗi và diệt muỗi bằng dòng xung điện. Ưu điểm của đèn diệt muỗi là không gây mùi hoặc khói khó chịu, thích hợp với các phòng kín gắn máy lạnh, nhưng cần lưu ý tránh đặt nơi ẩm ướt và gần các vật dễ cháy. Da và mắt nếu tiếp xúc trực tiếp với những tia cực tím này lâu dài cũng có thể bị nguy hại.

Máy xua muỗi bằng sóng siêu âm cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt trên hệ thần kinh nhất là đối với trẻ em và chưa được chứng minh có tác dụng xua đuổi muỗi rõ ràng bằng các nghiên cứu khoa học.

Một máy đuổi muỗi rao bán trên mạng không rõ nguồn gốc

Các thuốc thoa hoặc miếng dán ngoài da thường chứa các thành phần như tinh dầu bạc hà, bạch đàn, sả, khuynh diệp, cỏ chanh, tuyết tùng có tác dụng xua đuổi muỗi… nhưng dễ bay hơi nên cũng phải thoa lặp lại nhiều lần. Đối với trẻ càng nhỏ, đặc biệt là sơ sinh có làn da rất mỏng manh, các thuốc này cũng có thể gây ra các tổn thương viêm da do hóa chất, gây bỏng da và bội nhiễm vi trùng nếu sử dụng nhiều lần không đúng cách. Nếu thoa hoặc dán trên da các miếng chống muỗi này quá nhiều, hóa chất cũng có thể thấm qua làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh và gây ra ngộ độc. Trẻ nhỏ thường rất dễ mẫn cảm nên việc thoa thuốc cần lưu ý xem có trẻ có biểu hiện dị ứng: nổi mề đay, ngứa, khó chịu khi thoa hoặc dán các thuốc xua đuổi muỗi này hay không. Tốt nhất là nên tránh dùng các thuốc hoặc miếng dán xua đuổi muỗi này ở trẻ sơ sinh. Khi bắt đầu sử dụng, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và thoa hoặc dán thử trên một vùng da nhỏ ở cổ tay xem có dị ứng hay không trước khi thoa ở các nơi khác. Đã có trường hợp trẻ sử dụng các loại thuốc thoa và miếng dán chống muỗi này nhưng vẫn bị muỗi đốt và mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện do không phải lúc nào cũng liên tục thoa hoặc dán miếng dán chống muỗi kín khắp cơ thể.

Quay về biện pháp truyền thống

Hiện nay, chưa có một sản phẩm nào có tác dụng phòng chống muỗi hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người, nhất là trẻ em được chứng minh bằng các nghiên cứu y học. Khi sử dụng một biện pháp phòng chống muỗi nào đó, cần chú ý về nguồn gốc xuất xứ, có được cấp phép lưu hành của cơ quan chức năng hay không, nên lựa chọn các sản phẩm uy tín có chất lượng và theo sát hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm phòng chống muỗi đối với các trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với lứa tuổi sơ sinh. Biện pháp phòng chống muỗi tốt nhất được khuyến cáo là luôn ngủ màn ban ngày cũng như ban đêm, vì muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường có khuynh hướng đốt người vào ban ngày. Cho trẻ mặc áo và quần dài có màu sáng để tránh thu hút muỗi. Chú ý các dụng cụ chứa nước như: hồ cá, lu vại…cần được che đậy kín để không cho muỗi có điều kiện sinh sản và diệt lăng quăng.

ThS.BS.. Nguyễn Minh Tuấn

Khoa Sốt xuất huyết, BV. Nhi Đồng 1

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]