Cách tập dưỡng sinh hiệu quả

15.6004

Khí công dưỡng sinh giúp tăng cường sức khỏe, nhưng việc tập sai nguyên tắc sẽ phá vỡ trật tự vốn có của cơ thể, gây rối loạn về nội tạng và sinh lực.

 

Võ sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn Thăng Long võ đạo Việt Nam, Trưởng khoa Giải phẫu tế bào, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, chia sẻ về cách tập khí công dưỡng sinh hiệu quả.

Giúp cân bằng âm dương

Môn khí công dưỡng sinh mang đặc thù Á Đông. Đó là sự phối hợp giữa luyện thân, luyện hơi thở và luyện các trạng thái tâm thức. Cơ thể con người chia làm hai phần, phần dương khí ở phía trên còn phía dưới là âm khí. Do tuổi tác, do lão hóa âm dương không kết nối sinh ra các bệnh phía trên (như stress, xuất huyết não, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, nghẽn phổi) và các bệnh phía dưới (như rối loạn chuyển hóa, đái đường, sỏi thận, u nang buồng trứng, u sơ buồng trứng).

Luyện tập khí công là để giúp cân bằng âm dương bằng cách đưa năng lượng của cơ thể về trung tâm, từ đó làm năng lượng lan tỏa đều.

Một buổi tập của Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Để đạt hiệu quả cao

Khí công đòi hỏi được luyện tập đều đặn, thường xuyên. Vì vậy, những ai nóng vội đều không đạt hiệu quả. Võ sư Thắng khuyên mọi người luyện tập hằng ngày vào bốn giờ Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Tuy nhiên, vì điều kiện của cuộc sống không có nhiều thời gian nên buổi sáng nên tập vào giờ Mão (5h – 7h), buổi chiều giờ Dậu (17h – 19h). Khoảng thời gian đó là lúc sinh lực của con người và vũ trụ thông hòa. Thời lượng tốt nhất cho một lần tập là một tiếng đồng hồ.

Luyện khí công dưỡng sinh không yêu cầu khắt khe về không gian tập, chỉ cần có một khoảng trống thoáng khí. Những ngày thời tiết thay đổi bất thường, giông tố, biến động, mưa to gió lớn là lúc năng lượng đất trời không tốt, nên dừng tập luyện. Trước khi tập, nên ăn nhẹ là tốt nhất, hoặc để bụng đói chứ tuyệt đối không được ăn no.

Người tập lưu ý nguyên tắc lấy động để hồi tĩnh, lấy tĩnh để phục động. Nên tập động công vào buổi sáng bởi qua một đêm, cơ thể đang ở trạng thái tĩnh cần khởi động để thích nghi với hoạt động trong ngày. Còn sau một ngày làm việc vất vả, buổi chiều nên tập tĩnh công luyện khí bên trong và buổi tối thì nên ngồi thiền.
Khí công dưỡng sinh là sự phối hợp giữa điều thân để cơ thể giãn mở hết các khớp giúp khí huyết lưu thông. Điều tức là thông qua điều hơi thở cho năng lượng bên trong lan tỏa đều tới lục phủ ngũ tạng. Điều tâm làm tâm của mình an lạc. Kết hợp ba yếu tố trên, cơ thể mới được thư giãn ở mức độ cao. Vì vậy, việc tập động tác, sai thở sẽ bẻ gẫy cân đối của cơ thể.
Một số địa chỉ hướng dẫn tập khí công dưỡng sinh: Tổ đường môn phái Thăng Long Võ Đạo, do Chưởng môn phái Nguyễn Văn Thắng phụ trách (179 Hồng Mai – Hai Bà Trưng – Hà Nội); CLB Chùa Bồ Đề – Gia Lâm (HLV Đặng Văn Hà); CLB Công viên Tuổi Trẻ (HLV Nguyễn Thị Việt Thoa); CLB Quảng trường Ngân Hàng TƯ, sau tượng đài Lý Thái Tổ (HLV Phạm Thị Ngọc Lý); CLB chùa Phù Đổng (HLV Lâm Phạm Phước Hùng); CLB chùa Phù Dực, làng Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]