Cần làm gì khi bị tắc tuyến sữa?

Tắc tuyến sữa xảy ra khi bạn cho con bú không hết hoàn toàn sữa trong vú, hay mang nịt vú quá chật cũng có thể gây tắc tuyến sữa.

15.5818
Tôi đang cho con bú. Không hiểu sao mấy hôm trở lại đây một bên vú thi thoảng lại bị tắc tuyến sữa khiến tôi bị sốt, đau nhức, mệt mỏi. Mong chuyên mục tư vấn vì sao tôi lại bị như thế và tôi phải làm sao để giải quyết tình trạng này?
 
Minh Thoa (Bắc Ninh)
 
Tắc tuyến sữa xảy ra khi bạn cho con bú không hết hoàn toàn sữa trong vú, hay mang nịt vú quá chật cũng có thể gây tắc tuyến sữa. Khi bị tắc tuyến sữa, vú nổi cục và rất đau. Bạn cần kiểm tra núm vú thật tỉ mỉ xem có các vết nhỏ sữa bị khô lại trên đó không và nhẹ nhàng lau đi. Đồng thời xoa bóp mạnh vú, từ thành ngực tới núm vú để kích thích thông sữa. Khi tuyến sữa bị tắc, bạn nên cho con bú ở bên bị tắc, vì khi ấy bé mút mạnh sẽ phần nào giúp tuyến sữa dễ thông.

Nếu tuyến sữa bị tắc mà không được giải quyết, thời gian kéo dài có thể xảy ra áp xe vú. Vú nhức và đỏ, sốt. Trong trường hợp này, bạn cần uống nhiều chất lỏng, nghỉ ngơi, chườm vú bằng chai nước nóng hay dùng túi chườm, không dừng cho bú, nếu dừng cho bú, các tuyến sữa sẽ đầy ứ, làm tình hình xấu thêm.

Một vấn đề khác trong giai đoạn cho con bú bạn cần lưu ý là núm vú thường bị đau nếu cho bú không đúng tư thế hay lịch bú, hay do trẻ mút không đúng cách. Trong trường hợp này người mẹ cần cho bú ở bên phía ít đau trước, tuy nhiên, nếu cả hai bên đều đau thì dùng tay massage vú một lúc lâu rồi mới cho bú. Hãy để hàm trẻ tì vào điểm ít đau nhất. Đừng đẩy ra khi bé bắt đầu bú. Hãy cố thư giãn. Nếu vú bị nứt nẻ kèm với đau, bôi gel lô hội vào núm vú để giảm đau và mau lành.

Để đề phòng bị đau núm vú, hãy cho trẻ bú thường xuyên để trẻ không bị quá đói và nhay mạnh núm vú. Thường xuyên thay đổi tư thế cho bú để luân phiên áp lực của miệng trẻ lên vú và biết dừng cho bú đúng lúc. Giữa các lần cho bú, hãy giữ núm vú khô sạch. Không rửa núm vú bằng xà phòng, cồn, hay các chất dầu làm mất chất bảo vệ tự nhiên của vú. Nếu đau nhiều và kéo dài bất chấp các biện pháp xử lí thì có thể đã bị nhiễm nấm candida. Lúc này bạn cần đi khám thầy thuốc.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai
AloBacsi.vn
Theo Gia đình Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]