Cha mẹ không nên tùy tiện bổ sung vitamin A cho trẻ

Việc tùy tiện bổ sung vitamin A cho trẻ có thể khiến trẻ bị ngộ độc do quá liều...

15.6

Vitamin A là vitamin tan trong dầu, rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng và cho sự phát triển và duy trì của biểu mô, được dùng dự phòng và điều trị các triệu chứng thiếu vitamin A như bệnh khô mắt, quáng gà; bổ sung cho người bệnh xơ gan nguyên phát do mật hay gan ứ mật mạn tính, thường hay thiếu hụt vitamin A và điều trị một số bệnh về da (loét trợt, trứng cá, vẩy nến).

Những điều cần biết khi bổ sung vitamin A cho trẻ

Hàng năm, ở Việt Nam có chiến dịch cho trẻ em uống vitamin A trên quy mô toàn quốc để phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt.

Hoạt động phòng chống thiếu vitamin A được triển khai với các cách tiếp cận khác nhau: tiếp cận dựa vào thực phẩm, bổ sung vitamin A vào thực phẩm và bổ sung vitamin A liều cao cho các đối tượng nguy cơ cao, giáo dục truyền thông về cách nuôi con theo khoa học, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu khác như tiêm chủng phòng sởi, chống tiêu chảy... Vì vậy, các bà mẹ cần đưa con đi uống vitamin A đầy đủ.


Tuy nhiên cần lưu ý, không được tự ý bổ sung vitamin A cho trẻ, vì khi dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A.

Ngộ độc do tự ý bổ sung vitamin A cho trẻ

Ngộ độc cấp với các dấu hiệu như: buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy... Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống từ 6 đến 24 giờ.

Khi bị ngộ độc mạn người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan - lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô giòn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, canxi huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp.

Ở trẻ em các triệu chứng ngộ độc mạn tính còn gồm cả tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã bị cốt hóa quá sớm.

Khi có dấu hiệu ngộ độc trên cần ngừng thuốc, tiến hành điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Bổ sung vitamin A cho trẻ đúng cách


Vitamin A và D là 2 loại vitamin có nhiều trong gan của cá thu, cá nhám… Để tiện lợi cho người sử dụng, các công ty dược đã sản xuất thuốc viên dầu gan cá cung cấp cùng lúc vitamin A và vitamin D, thuốc viên vitamin A-D.

Các bậc cha mẹ muốn cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin A, D cần lưu ý:Uống lượng dầu gan cá hoặc vitamin A-D tương ứng với chỉ 2.500 IU (đơn vị quốc tế) vitamin A và 400 IU vitamin D mỗi ngày. Nên uống theo từng đợt cách quãng, nghĩa là sau khi uống 3 tuần phải ngưng uống 1-2 tuần rồi mới uống tiếp (nếu muốn tiếp tục). Nên tham khảo thầy thuốc trước khi cho trẻ uống vitamin A.

Hàng ngày, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất béo (mỡ, dầu thực vật) và cho uống thuốc ngay sau khi ăn để thuốc dễ hấp thu hơn.

Nên đọc

Không cho trẻ dùng vitamin A khi trẻ đã được cơ sở y tế cho uống vitamin A liều cao (theo chương trình “Chống mù lòa ở trẻ do thiếu vitamin A”).

Vitamin A có nhiều trong trứng, sữa, bơ, gan, thịt động vật, các loại rau, củ quả có màu đỏ, vàng hoặc xanh đậm. Đây được xem là nguồn bổ sung vitamin A rất tốt cho trẻ và sử dụng các nguồn này thì không bao giờ sợ quá liều.

Hiện nay, ngành y tế có chương trình cho trẻ uống vitamin A liều cao để chống mù lòa do thiếu vitamin A. Các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi thuốc theo lịch và nhớ đã cho trẻ uống vitamin A theo chương trình rồi thì không nên cho trẻ uống thuốc vitamin A hoặc thuốc bổ có chứa vitamin A nữa.

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]