Chăm sóc tinh thần cho người có H

Giadinh.net - Vào thời điểm bạn biết là mình bị nhiễm HIV, cuộc sống của bạn dường như đảo lộn hoàn toàn. Bạn có thể cảm thấy nhiều thứ tình cảm lẫn lộn như sợ hãi, đau buồn, trầm uất, giận dữ, lo lắng.

15.5991

Bất kể là tình trạng sức khoẻ của bạn như thế nào và khả năng điều trị đến đâu, bạn vẫn cần có người để chia sẻ. Báo GĐ&XH xin giới thiệu bài viết của Ths.BS Mai Xuân Phương, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về những điểm chú ý của việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại gia đình.

Đối phó với những diễn biến về tâm lý

Sau khi biết về tình trạng HIV dương tính của mình, người nhiễm HIV có thể có những diễn biến xấu về tâm lý. Những bất ổn về tâm lý của những người nhiễm HIV thường xuất phát từ suy nghĩ rằng, cuộc sống của mình đang trở nên bấp bênh. Các bạn thường cho rằng, tương lai, công việc, sinh hoạt, thậm chí cả các mối quan hệ đều thay đổi chỉ vì mình đã bị nhiễm HIV. Trên thực tế, bạn cũng cần có những điều chỉnh trong sinh hoạt, thậm chí cả công việc và kế hoạch cho tương lai, nhưng không nhất thiết phải thay đổi tất cả và thay đổi hoàn toàn.
 

Các tiết mục văn nghệ về đề tài HIV đã góp phần đáng kể sự kỳ thị đối với người có H (Ảnh: Dương Ngọc).

Cần nhớ rằng, bị nhiễm HIV không có nghĩa là bị bệnh AIDS ngay lập tức và khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS không có nghĩa là sẽ chết ngay. HIV/AIDS cũng chỉ là một trong những nguyên nhân gây tử vong. Nhiều nguyên nhân khác còn có thể gây tử vong sớm hơn như tai nạn giao thông, hoặc ung thư... Có những bệnh khác cũng không chữa được như: Ung thư, suy thận, bệnh tự miễn dịch. Người bị nhiễm HIV vẫn có thể sống khoẻ và có ích trong nhiều năm. Nên sử dụng những năm này để thực hiện những điều mình muốn làm.

Đối phó với những thay đổi về sức khoẻ

Ngay sau khi bị nhiễm HIV, một số người có triệu chứng giống như cúm, kèm theo sốt, sưng hạch, có các ban ngoài da hoặc ho. Tuy nhiên, phần lớn những người nhiễm HIV vẫn khoẻ mạnh trong vòng nhiều năm. Nhiều người mang HIV hàng chục năm vẫn chưa có biểu hiện AIDS. Khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS là lúc lượng bạch cầu trong cơ thể còn quá ít. Khả năng chống đỡ với các tác nhân gây bệnh thông thường bị giảm sút. Vì vậy, bệnh nhân AIDS dễ mắc bệnh hơn những người bình thường, nhất là các bệnh nhiễm trùng và lao phổi. Khi có các triệu chứng, biểu hiện bất thường cần chú ý theo dõi và điều trị ngay.

Nếu bạn bị nhiễm HIV, điều quan trọng nhất là giữ gìn sức khỏe để làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS. Cần thiết: Tránh bị căng thẳng, có chế độ ăn nghỉ phù hợp, tập thể dục đều đặn, định kỳ đi kiểm tra sức khoẻ; không dùng ma tuý, tránh xa các loại rượu, bia, thuốc lá; đề phòng mọi loại nhiễm trùng, vì chúng có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

Những vấn đề tâm lý thường gặp
 

Chăm sóc trẻ có H tại Trung tâm giáo dục số 2 Hà Nội (Ảnh: Chí Cường).

Hầu như tất cả mọi người bị nhiễm HIV đều trải qua những cơn khủng hoảng khi mới phát hiện mình xét nghiệm HIV dương tính, khi có những biểu hiện nhiễm trùng cơ hội đầu tiên và khi kết quả điều trị không được như mong đợi. Trong suốt quá trình mang virus, do mặc cảm, do bị kỳ thị, nhiều khi người có HIV phải trải qua những biến động bất lợi về tâm lý. Tuy nhiên, đó là điều bình thường với những người có HIV, hoặc những người mắc các bệnh hiểm nghèo khác. Bạn cần tự chuẩn bị để chủ động đối phó với những vấn đề tâm lý đó. Hãy coi những vấn đề tâm lý cũng như sức khỏe và mình chủ động giải quyết, tránh những hậu quả không tốt cho sức khỏe của mình cũng như mối quan hệ của mình với những người xung quanh.

Chăm sóc tại nhà

Có thể điều trị tiêu chảy tại nhà bằng cách uống nhiều nước theo chỉ dẫn để bù lại lượng dịch bị mất do tiêu chảy và bằng cách cố gắng ăn để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Bù lại lượng dịch đã mất do đi ngoài: Uống một hoặc nhiều loại trong các loại dịch như: Nước muối đường (pha 2 thìa (muỗng) đường và 1/2 thìa muối trong 1 lít nước đã đun sôi); Pha một gói Oresol (ORS) trong một lít nước đã đun sôi; Nước cháo pha muối (1/2 thìa muối trong khoảng 1 lít nước cháo). Uống các dung dịch đó thay cho nước một cách thường xuyên hoặc uống 200ml sau mỗi lần đi ngoài (trẻ em uống 50-100ml mỗi lần). Ăn thức ăn mềm, nấu chín và sạch như cháo hoặc canh hoặc cơm nát (ướt). Tránh các loại thức ăn cứng, dai hoặc quá ngọt, quá cay, quá béo hoặc khó tiêu.

Với các vết thương đã nhiễm trùng như áp- xe và vết thương bị sưng nhưng vẫn còn kín, chưa bị vỡ mủ: Chườm bằng nước muối ấm trong vòng 20 phút, mỗi ngày 4 lần. Cách này có thể giúp làm khô ổ áp- xe. Khi đã vỡ mủ thì cần đến bác sĩ để được dùng thêm kháng sinh. Vết thương bị nhiễm trùng và có ổ áp- xe: Hàng ngày rửa sạch vết thương bằng nước muối pha loãng. Nếu có điều kiện, nên dùng nước ôxy già để rửa sạch mủ. Nếu vết thương ở tay hoặc chân thì nên ngâm vào thuốc tím pha loãng (1 thìa nhỏ thuốc tím gentian pha với 4-5 lít nước). Trước khi băng vết thương bôi cồn I-ốt loãng hoặc thuốc tím Gentian (pha 1 thìa nhỏ trong 4 lít nước). Băng vết thương bằng gạc sạch. Thay băng mỗi ngày một lần. Nên tiêm phòng uốn ván.

Các loại đồ ăn nên sử dụng

Tháp thực phẩm thể hiện tỷ lệ các loại lương thực, thực phẩm mà người nhiễm HIV nên ăn, uống: Cần ăn nhiều nhất là các loại lương thực như: Cơm, bánh mì, khoai tây. Cần lưu ý là phở, bún, miến và phần lớn các loại mì hiện có đều chứa rất ít năng lượng. Trong trường hợp bạn cần ăn để lấy năng lượng thì không nên ăn các loại đồ ăn này hoặc phải ăn cùng với các loại đồ ăn nhiều năng lượng; kế đó là các loại rau và trái cây. Nên ăn các loại rau và trái cây khác nhau để có nhiều loại vitamin và chất khoáng. Các loại thực phẩm nhiều protein không cần ăn lượng lớn như lương thực và rau trái nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng cường khả năng chống đỡ của cơ thể nên cần được ăn thường xuyên, bao gồm: Thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các loại đậu, vừng (mè), lạc. Nếu người nhiễm HIV không thể ăn đủ các loại thức ăn thông thường, nên dùng các loại đồ uống có nhiều ca- lo (năng lượng) như sữa và nước hoa quả pha đường. Người nhiễm HIV có thể uống thẳng từ cốc hoặc qua ống hút. Trong số các loại sữa bột hiện đang có bán trên thị trường, Ensure là loại sữa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng cho những người nhiễm HIV vì loại sữa này có chứa nhiều năng lượng.
 

Chăm sóc nâng cao thể lực

Người nhiễm HIV cần luyện tập thể dục đều đặn hàng ngày, tham gia các hoạt động thể thao phù hợp với sức khỏe của mình và vận động mọi người cùng tham gia. Nguy cơ lây truyền HIV rất thấp trong các hoạt động thể dục thể thao. Người có HIV vẫn có thể tham gia thi đấu thể thao như các vận động viên khác nếu sức khoẻ cho phép. Tuỳ theo điều kiện sức khỏe, người nhiễm HIV không chỉ tham gia các môn bơi lội, bóng bàn, cờ tướng, mà còn có thể tham gia các môn bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, thậm chí là cả võ thuật.

Tuy nhiên, cần lưu ý người nhiễm HIV không có vết sước, vết thương hở trên cơ thể khi tham gia thi đấu, để phòng lây truyền HIV qua những va chạm trong thi đấu. Nếu bị thương trong quá trình thi đấu cần dừng ngay thi đấu. Nếu có vết thương hở cần được rửa sạch vết thương bằng cồn 70o và băng kín lại để tránh lây dính máu sang người khác.
 
Ths.BS Mai Xuân Phương
(Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]