Mới đây, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã phải mở một buổi sinh hoạt chuyên đề về "Cách phát hiện và
chăm sóc trẻ sốt, sốt
xuất huyết tại nhà" nhằm mục đích giúp các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc khi con em mình bị sốt, nhất là trong thời điểm sốt xuất huyết đang hoành hành.
Nhiều bậc phụ huynh có mặt tại buổi sinh hoạt đã không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, mình đã
ngộ nhận khi chăm sóc trẻ bị sốt bằng nhiều cách thức không đúng mà hậu quả là, có thể gây nguy kịch tính mạng của trẻ. Phóng viên VietNamNet đã ghi lại hướng dẫn của với TS. BS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc bệnh viện tại buổi sinh hoạt nói trên.
Paracetamol và nước ấm là đủ
Trước hết, những điều cần làm để hạ sốt cho trẻ tại nhà là uống thuốc hạ sốt, khuyến khích ăn uống, theo dõi các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời (ói mửa nhiều dù chỉ một lần, đau bụng, bứt rứt, mệt, lạnh tay chân, tím, vả mồ hồi, xuất huyết...) và tái khám đúng hẹn.
Phụ huynh không được tự ý mua thuốc Aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids. Các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.
Thuốc an toàn nhất để hạ sốt cho các cháu là Paracetamol. Cứ 4 - 6 giờ một lần, các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống từ 10 - 15mg Paracetamol/ mỗi kg cân nặng. Thứ hai, lau mát cho trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi khi sốt cao thường hay dọa làm kinh (co giật).
"Khi trẻ sốt cao và đang làm kinh, người nhà tuyệt đối không được nặn bất cứ một thứ gì, ví dụ như vài giọt chanh, vào trong miệng trẻ. Điều đó có thể khiến trẻ bị sặc và gây tử vong," BS. Hùng cảnh báo.
Điều cần làm là pha nước ấm, tương tự như pha nước tắm cho trẻ (để cùi chỏ tay của người lớn vào chậu nước, nếu thấy nước âm ấm là được).
Sau đó, dùng năm cái khăn, 2 khăn đắp vào nách và 2 khăn đắp vào bẹn, khăn còn lại nhúng nước lau khắp cơ thể trẻ. Đối với các khăn đắp cố định ở nách và bẹn, sau 5 - 10 phút lấy ra nhúng lại vào nước ấm, vắt ráo và đắp liên tục vào bẹn và nách.
Giải nhiệt bằng rượu, nước đá: Nên chăng?
Có một thói quen mà người già hay sử dụng khi làm mát cho trẻ là đổ vào nước ấm một chút rượu hay cồn (alchol). Việc kết hợp này có thể làm mát trẻ rất nhanh, thậm chí mát lạnh do sự bốc hơi. Tuy nhiên, điều đó vô cùng nguy hiểm.
Rượu hay cồn khi bốc hơi có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Chưa kể, hiện nay ở một số nơi, rượu đế chưa chắc đã an toàn. Người ta bỏ thêm một số các chất như thuốc diệt sâu rầy, khiến cho rượu trong vắt. Do đó tuyệt đối không được đổ rượu, cồn vào nước khi lau cho trẻ.
Kinh nghiệm cho thấy lấy chanh xoa cho trẻ sẽ khiến trẻ hạ sốt. Đây là một điều không nên làm. Chanh có chứa một độ axít loãng làm bỏng hay hư da trẻ.
Khi trẻ sốt vào nửa đêm, không có nước bình thuỷ. Các bậc cha mẹ phải làm sao? Người lớn có thể lấy nước máy bình thường vẫn sử dụng hàng ngày để lau cho trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc, khi trẻ sốt thì phải dùng quạt, nước đá để sức nóng tỏa ra nhanh. Đúng hay sai? Sử dụng nước đá có thể khiến trẻ càng
ớn lạnh và run dữ. Càng run chừng nào, cơ thể càng sinh nhiệt và sốt cao chừng ấy, chưa kể đá lạnh có thể khiến trẻ bị sưng phổi.
Khi trẻ sốt cao co giật, cha mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng một bên, lấy khăn gấp lại, nhét vào miệng đề phòng trẻ cắn lưỡi. Sau đó đưa trẻ đến các cơ sở gần nhất, sơ cấp cứu rồi tìm nguyên nhân bệnh.
Khi trẻ sốt, cởi bớt quần áo cho thoáng mát để sức nóng toả ra. Chỗ trẻ nằm nghỉ ngơi phải thông thoáng.
"Nhiều bậc cha mẹ, thấy con sốt cao, rờ tay chân thấy lạnh ngắt. Đó là do nhiệt độ cao khiến trẻ ớn lạnh. Không được quấn trẻ quá nhiều. Quấn trẻ trong chăn nhiều quá, sức nóng không có đường ra được, chỉ còn một con đường thoát là dồn lên não và có thể làm kinh,"BS. Hùng nói.
Cạo gió, cắt lể: Cấm!
Nhiều người còn cho rằng, khi trẻ làm kinh phải cắt lể để nặn hết máu độc ra. Khi chuyển trẻ đến bệnh viện, trong trường hợp sốt xuất huyết, do rối loạn đông máu, việc cầm máu rất khó khăn. Toàn bộ cơ thể bị rỉ máu. Cấm
cạo gió cắt lể khi trẻ sốt, bác sĩ không thể theo dõi được chỗ nào xuất huyết do bệnh, chỗ nào do cạo gió.
Không cho trẻ bị sốt truyền các loại dịch không đúng, có thể khiến trẻ sốc dịch truyền và tử vong.
Về vấn đề dinh dưỡng, phải khuyến khích trẻ ăn uống bình thường, bú sữa mẹ. Cho trẻ uống nhiều nước như uống nước dừa, sữa, nước trái cây.
Ngoài nước ra, các loại nước này còn bổ sung thêm năng lượng, chất bổ, vitamin... Trẻ 15 tuổi, khi bị sốt, có thể uống 5 - 6l nước mỗi ngày là chuyện bình thường. Nhưng phải cho trẻ ăn no trước, rồi mới cho trẻ uống nước.
"Nhiều cha mẹ hỏi tôi có thể cho trẻ uống cà phê sữa không. Như vậy là không được. Tuy không phải cấm nhưng hạn chế với các loại đồ ăn thức uống có màu nâu, đỏ hay đen như coca, cháo huyết.... Các nhân viên y tế rất khó theo dõi vì không biết trẻ ói hay đi cầu ra máu hay đó là thức ăn đồ uống," BS. Hùng khuyên.
Theo Hương Cát (VNN)