Chân dung nàng mắc bệnh 'thành đạt'

Nàng bận bịu tối ngày. Nàng gom góp tiền mua ôtô và chỉ mặc đồ hiệu. Ở cơ quan, nàng chỉ tay năm ngón. Về nhà, chồng con cũng chỉ là người nghe lệnh. Đó chỉ là một trong số nhiều chân dung của các nàng mắc bệnh "thành đạt" thời nay.

15.5962

Với nàng, tiền là tất cả. Ảnh:Fotosearch.com.

Không quá khó để tìm được những gương phụ nữ thành đạt trong xã hội ngày nay. Dù không thừa nhận ra mặt nhưng nỗ lực và thành công của họ đôi khi khiến phe mày râu phải nghiêng mình bái phục và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trong ánh hào quang đó, lực lượng tinh nhuệ này có thể mắc phải những sai lầm. Cái nhìn về cuộc sống của một số người lệch lạc và chuyển sang trạng thái "bệnh".

Chân dung thứ nhất: Nghiện việc quên chồng con

Với mong muốn thay đổi suy nghĩ trọng nam khinh nữ, nhiều phụ nữ biến mình thành nô lệ của công việc, bỏ quên gia đình.

Có người từ khi tay trắng đến lúc dựng được cơ đồ, nếp sống chẳng có gì thay đổi. Họ vẫn quần quật với công việc từ sáng đến tối, từ việc lớn đến việc nhỏ, hết chuyện trong công ty đến chuyện ngoài xã hội. Thậm chí, họ còn xem mình là động cơ chính trong cỗ máy vận hành công ty, gia đình. Thiếu vắng họ là máy móc đứng im. Họ mang công việc vào bữa ăn, giấc ngủ và cả những lúc cần sự riêng tư vợ chồng.

Kết cục của những người nghiện việc thường có không ít vị đắng. Chẳng hạn như trường hợp của chị Thu Hoa, Giám đốc một công ty ở quận 10, TP HCM.

Trước đây, trong mắt mọi người, chị là một bà sếp rất đỗi dịu dàng và thấu tình đạt lý. Thế nhưng gần đây, mọi người cảm thấy ngạc nhiên vì hễ vào cơ quan là chị lại "đá thúng đụng nia”. Phó giám đốc, người bạn thân thiết từ tấm bé của chị, lại bị lãnh "đạn” nhiều nhất.

Đến một ngày, chịu không nổi, phó giám đốc hét lên: "Này đừng đem cái sự bị chồng bỏ mà trút vào đầu chúng tôi chứ. Chán lắm rồi”. Mọi người sững sờ, còn chị Hoa điếng người lại. Lặng đi giây lát, chị bật khóc hu hu như đứa trẻ con trước mắt nhân viên.

Mỗi ngày, chị phải quần quật hơn mười tiếng đồng hồ với hàng núi công việc. Nhiều chuyện bé như con kiến nhưng chị cũng không yên tâm khi giao hoàn toàn cho cấp dưới giải quyết. Lúc chị mua thêm căn biệt thự ở quận 2, TP HCM, cũng là ngày chồng chị đưa đơn ly hôn: “Tôi không muốn bị bỏ rơi trong chính căn nhà của mình. Thử hỏi mỗi ngày em dành cho tôi mấy phút?".

Chị giật mình. Từ lúc lập công ty, quả thật chưa có ngày nào chị ăn sáng cùng anh. Buổi tối, khi giường đã dọn sẵn, chị vẫn bận gọi điện thoại cho đối tác hoặc chỉ đạo nhân viên. Không những thế, chị còn có chân trong ban chấp hành một hội nữ doanh nghiệp. Ai cũng tín nhiệm vai trò đầu tàu của chị nên dù bận bịu đến đâu, chị cũng phải chu toàn công việc của hội.

"Đâu phải ai muốn làm cũng được. Người ta có tin tưởng mới giao cho mình chứ. Còn trẻ, tại sao mình không thử sức?" chị nói thế mỗi khi chồng góp ý.

Trong suy nghĩ của mình, chị cho rằng anh ganh với sự thành công của vợ. Ngày trước, mỗi lần giận hờn, chị còn xuống nước làm hòa trước. Về sau, chị lờ luôn. Nhiều lúc chị quên là hai vợ chồng đang giận nhau.

Theo các chuyên gia tâm lý, những người phụ nữ nghiện việc thường mắc chung một "căn bệnh”. Họ tự thấy trách nhiệm của mình quá cao và trở nên cầu toàn trong mọi việc. Đồng thời, họ cũng thiếu những kỹ năng thiết kế và quản lý công việc. Thay vì giao bớt trách nhiệm cho người khác để dành thời gian chăm sóc bản thân, cuộc sống gia đình, họ lại ôm hết vào mình.

Chân dung thứ 2: Tín đồ của phô trương và nổi tiếng

Hình ảnh một phụ nữ mặc đồ trên triệu bạc, lái xe hơi đi làm không còn là chuyện lạ và hiếm như hồi thập niên 80, 90. Bình thường, xe cộ hay quần áo chỉ là phương tiện giúp phụ nữ xây dựng hình ảnh, thuận lợi hơn trong các mối quan hệ. Thế nhưng, không ít người đã sử dụng những phương tiện này để phô trương sự thành công của mình.

Có người chỉ mới lên chức trưởng phòng đã dùng hết tiền tích cóp để mua sắm xe hơi. Sáng sáng, họ đánh xe vào bãi đậu của công ty rồi trùm chăn lên đó. Hay có trường hợp đi đâu cũng cố tình khoe nhẫn kim cương, chiếc ví LV…

Khi đã thành công, thay vì để “hữu xạ nhiên hương", không ít người lại tìm cách đánh bóng hình ảnh bản thân. Thiên hạ không còn ngạc nhiên khi nghe chị A, chị B bỏ ra mấy chục triệu để tự quảng cáo chân dung, kể thành tích của mình trên TV. "Khiêm tốn" hơn là được nhắc trên báo, website. Nhiều người tận dụng các mối quan hệ để được tung hô ở các hội nghị, hội thảo.

Hiện tượng thích nổi tiếng này là một triệu trứng của bệnh ái kỷ (Narcissism - Tự yêu bản thân mình). Chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy giải thích: Những nỗ lực khẳng định mình phần lớn xuất hiện từ sự thiếu thốn về vật chất, sự quan tâm, tình yêu thương và khích lệ từ gia đình ở thời quá khứ. Cũng có thể họ từng bị người khác gây tổn thương. Khi có điều kiện, họ tìm cách để củng cố hình ảnh của mình, mục đích để người khác phải kiêng nể, không lấn lướt, chà đạp họ.

Thực tế, những người này thường không thiết lập được sự tin tưởng với người khác. Họ chỉ được tung hô bởi tình cảm giả tạo của những người xung quanh. Bản thân họ cũng rất mệt mỏi khi phải luôn suy nghĩ, lo lắng từng lời nói, hành động của mình sao cho thật hoàn hảo. Từ đó, họ tạo ra sự căng thẳng và đề phòng nơi người khác.

Chân dung thứ ba: Thành đạt bằng mọi giá

Để được gọi là thành đạt, phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba đàn ông. Thế nhưng, cũng có người không tốn nhiều công sức để leo lên nấc thang thành đạt. Họ chọn cách đi đường tắt.

Những ai quen biết chị Mỹ Chi, quận Tân Bình, TP HCM, đều nhận xét rằng đấy là một phụ nữ khôn khéo. Thời gian đầu, bằng những phóng sự sắc sảo, chị làm cho những doanh nghiệp "có vấn đề” bắt đầu nhúc nhích. Họ mời chị đi ăn uống, tặng phong bì, quà cáp. Chẳng bao lâu, chị xây được ngôi nhà mấy tầng.

Có nhan sắc, lại vừa ly hôn, Mỹ Chi cặp kè với Công Hoàng, một tay trùm địa ốc. Thời gian sau, chị lại tậu thêm căn biệt thự. Bấy nhiêu chưa làm chị thỏa mãn. Thế là chị bỏ nghề báo. Nhờ sự hậu thuẫn của người tình, chị chuyển sang kinh doanh địa ốc. Không biết vì quá say mê hay tin tưởng người yêu, ông này cho chị vay một số vốn và dạy chị những mánh khóe "nâng đất”.

Một năm sau, với sự khôn ngoan, lọc lõi, Mỹ Chi chuyển toàn bộ số vốn vay thành tiền của mình và rời xa người tình. Mất cả chì lẫn chài, ông Hoàng còn chết điếng khi bị cười vào mũi: "Đàn ông luôn có một cái dại hơn đàn bà, đó là dại gái!".

Theo phân tích của các chuyên viên tâm lý, "căn bệnh” muốn thành đạt bằng mọi cách là một quan niệm sống hơn là vấn đề tâm lý.

Chân dung thứ tư: Độc đoán và thích sai khiến

Suy nghĩ độc lập, sự quyết đoán là những yếu tố tạo nên thành công cho phụ nữ. Khi đã trở thành "top woman", họ cũng dễ ảo tưởng, cho rằng mình là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, luôn cho mình đúng và muốn mọi người phải răm rắp tuân theo. Vì thế, họ dễ tạo sự bất mãn cho đối tác, nhân viên.

Điều sai lầm hơn cả là những người phụ nữ này bê nguyên xi hình ảnh một nàng lãnh đạo đầy quyền uy về nhà. Họ sẵn sàng bác bỏ hết ý kiến của các thành viên trong gia đình. "Này anh/này con, sao không làm..." là câu cửa miệng của họ dùng để điều khiển người thân.

Có khi, các nàng còn vô tư dùng ngón tay trỏ chỉ đạo chồng con giữa đám đông hay trước mặt khách. Dần dần, người chồng cảm thấy không còn được tôn trọng và vai trò của mình trong gia đình bị tước đoạt. Con cái họ cảm thấy bức bối, sợ hãi khi suốt ngày nghe mẹ ra lệnh, ép buộc thay vì được lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng.

Chân dung thứ năm: Coi kiếm tiền ở trên tất cả

Chị Thu Hoa, trưởng khoa một bệnh viện, được mọi người đặt biệt danh là "Hoa tiền". Nguyên nhân là do cái gì cũng được chị quy ra tiền. Không bao giờ chị xuất hiện ở những buổi họp mặt gia đình với lý do quá bận. Chị bảo: "Nghỉ một ngày là mất tiền triệu. Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày, đi làm chi cho mệt!".

Lúc đầu, mọi người trong nhà còn thông cảm, cho rằng chị phải gánh vác gia đình nên cần tranh thủ làm việc. Tuy nhiên, khi thấy chị "nhà to, túi đầy” mà vẫn cứ "tiền là tất cả", họ hàng, bạn bè thân thiết dần dần giữ khoảng cách với chị. Họ kháo nhau, đi với chị không may gặp cướp thì chỉ có nước khóc hận. Chắc chắn chị sẽ nhào vào giữ chặt tài sản thay vì đỡ người thân đứng lên.

Gần một năm nay, chồng chị bị tai nạn giao thông, nằm liệt một chỗ. Chị tìm mãi cũng không ra một người giúp việc. Nếu không chê họ biếng nhác, chưa xứng với số tiền vài trăm nghìn đồng chị bỏ ra thì họ cũng vì bệnh tiền của bà chủ mà đi.

Hôm nọ, chị bận việc ở bệnh viện, anh ở nhà một mình và bị ngã, phải vào bệnh viện. Sốt ruột, mẹ anh ở quê lóc cóc ra thành phố chăm con trai. Lúc bà về quê, theo thói quen, chị nhét một xấp tiền vào túi mẹ. Bà quẳng lên bàn: "Tôi nuôi con chớ đâu có làm công mà trả tiền…".

Thật sự, nguồn gốc sâu xa "căn bệnh” của chị Dung là do trước kia thường bị thua thiệt về vật chất. Khi có chút thành công, chị xem tiền bạc, địa vị như tiêu chuẩn để đánh giá con người. Chị luôn nghĩ người khác đến với mình vì tiền.

Chân dung thứ sáu: Những cô nàng kiêu ngạo

Tư tưởng “không có ai hơn mình" cũng còn tồn tại trong đầu nhiều phụ nữ thành công. Họ thường tự mãn với những gì mình có và thích "vẽ voi" về năng lực của mình. Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý, các trường hợp mắc triệu chứng này thường rơi vào những người là con một trong gia đình.Ngay từ nhỏ, họ đã ý thức được vị trí trung tâm của mình nên xem mọi người như cỏ rác.

Ngày chị Minh Thi, giám đốc nhãn hàng, "xách gói" ra khỏi công ty, nhiều người cảm thấy tiếc cho chị. Nếu bớt kiêu ngạo, khoác lác một chút, chị đã không phải ra đi tức tưởi như thế.

Khởi đầu là một nhân viên kinh doanh bình thường, nhờ chịu khó và ham học hỏi, chị "leo" dần lên vị trí trưởng khu vực, rồi giám đốc nhãn hàng. Sau khi vực dậy một nhãn hàng có doanh số yếu nhất công ty và được khen thưởng, chị tự hào rằng vị trí của mình khó có ai thay thế. Ý nghĩ này khiến chị ngày càng có nhiều hành xử không hay. Trong một lần mâu thuẫn với ban lãnh đạo, chị ỏng eo đòi nghỉ. Không ngờ, ban giám đốc ký đơn ngay.

Chân dung thứ bảy: Hội chứng chê chồng

Một "bệnh" hay gặp ở phụ nữ thành đạt là tôn thờ chủ nghĩa độc thân và xem đàn ông là củi mục.

Những người này thường xét quan hệ nam nữ trên bình diện quyền lực chứ không phải về tinh thần. Họ luôn đặt ra những câu hỏi: Tại sao đàn ông thế này mà đàn bà thế khác? Tại sao đang sung sướng lại phải hầu hạ một người dưng? Những cảm xúc yêu thương, hi sinh, san sẻ… không còn tồn tại trong suy nghĩ của họ.

Ngoài bản chất con người, "căn bệnh” này cũng xuất phát từ những chấn thương tâm lý ấu thơ. Có những đứa trẻ lớn lên trong gia đình vẫn còn giữ suy nghĩ "chồng chúa, vợ tôi". Họ phải chứng kiến cảnh cơm bưng nước rót cho chồng của bà, mẹ, chị và cả những giọt nước mắt đau khổ khi bị sự gia trưởng của người đàn ông đè lên vai.

Thế là, trong suy nghĩ họ hình thành quyết tâm: "Phải làm sao cho đàn ông thấy bản lĩnh phụ nữ". Những người này chẳng bao giờ hạnh phúc. Mải lo chứng tỏ, đối phó và "xù lông", họ đánh mất những gì mà một phụ nữ bình thường đáng được hưởng.

(Theo Phong Cách)

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]