Chân sút vàng khiến bệnh tật lọt lưới

Ai cũng quý sức khoẻ của mình, đối với một cầu thủ thì sức khoẻ còn đồng nghĩa với sự nghiệp. Thế nhưng, không phải ai cũng được may mắn.

15.6103
Rơi từ đỉnh cao
 
Tiền vệ Nguyễn Minh Phương. Anh: Tuan Tu
Là một cầu thủ rèn luyện hàng ngày, Minh Phương luôn tự tin vào sức khoẻ của mình. Đầu năm 2007, đang ở giai đoạn đỉnh cao, Phương cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự giải AFF ở Singapore. Trước ngày lên đường, anh đã cảm thấy sức khoẻ mình không tốt nhưng nghĩ có thể do thời gian tập luyện dày đặc cùng tâm lý căng thẳng trước ngày thi đấu. Sang đến đất bạn, Phương cũng như các thành viên của đội tuyển Việt Nam cố tập trung mọi sức lực cho các trận đấu. "Một sáng tôi cảm thấy bụng đau dữ dội, những cơn đau liên tiếp khiến tôi không đi lại được. Tôi lo lắng hơn khi thấy nước tiểu có màu bất thường, tôi không chỉ lo cho sức khoẻ của mình mà còn cho các trận đấu trước mắt của đội tuyển", Phương kể.

Tin tiền vệ trụ cột của đội tuyển bị đau khiến cả đội lo lắng. Đang ở trên đất nước có nền y học tiên tiến, Phương được đưa đi kiểm tra ở bệnh viện Elizabeth. "Trong thời gian nằm chờ các kết quả xét nghiệm, tôi vẫn mong một kết luận khả quan. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tôi sốc khi bác sĩ thông báo mình mắc chứng bệnh dị ứng mao mạch" - Phương nhớ lại - "Lúc đó, tôi thật sự hoang mang và nhớ lại những dấu hiệu không bình thường của mình trước đó. Những cơn đau thi thoảng xuất hiện rồi qua nhanh, nhưng tôi vẫn cố gắng ra sân tập luyện cùng đồng đội vì nghĩ đó chỉ là dấu hiệu của quá trình tập luyện cũng như áp lực thi đấu. Tôi không ngờ sức khoẻ diễn biến xấu nhanh đến vậy". Sau khi được các bác sĩ Singapore điều trị, những ngày diễn ra các trận đấu của giải AFF Cup 2007, Minh Phương vẫn ra sân cùng đồng đội với tinh thần vì màu cờ sắc áo.

Sân cỏ là động lực

Sau khi đón nhận thông tin không vui về sức khoẻ của mình, Phương xin nghỉ tập luyện và thi đấu cho câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm Long An, nơi anh đang đầu quân. Phương không dám chủ quan khi những cơn đau đến thường xuyên hơn khiến sức khoẻ anh giảm sút đáng kể. Anh thổ lộ: "Nhiều người khuyên tôi từ bỏ bóng đá. Lúc đó, tôi không biết nên làm thế nào khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao mà tuổi đời còn quá trẻ, mới 27 tuổi. Tôi còn muốn cống hiến cho nền bóng đá nước nhà".

Phương bắt đầu những ngày điều trị. Các bác sĩ viện Khoa học thể dục thể thao (nay là BV Thể thao Việt Nam) cùng hỗ trợ anh. Những lần khám định kỳ anh lại sang tận Singapore để làm các xét nghiệm và có hướng điều trị phù hợp. Với phác đồ điều trị, với những bài tập phù hợp cùng nỗ lực của bản thân, sức khoẻ anh tiến bộ rõ rệt. Các bác sĩ cho biết đây là chứng bệnh khá hiếm người mắc. Việc điều trị không quá khó nhưng phải uống thuốc thường xuyên và kiểm tra nước tiểu định kỳ.

Sau một thời gian điều trị bài bản, Phương lại trở về với sân cỏ trên cương vị đội trưởng. Nhưng sau bao sức lực đều được chàng tiền vệ dồn vào những trận đấu quyết định của đội tuyển Việt Nam trên đấu trường quốc tế và khu vực, những cơn đau lại tiếp tục hành hạ anh. Phương nhớ lại: "Lúc đó, tôi nghĩ có lẽ mình phải giã từ sự nghiệp cầu thủ dù lòng đầy tiếc nuối".

Hàng ngày, anh đều đặn thực hiện các bài tập. Tình yêu bóng đá thôi thúc anh phải chiến thắng bệnh tật. Bằng nỗ lực tự thân, sức khoẻ anh dần hồi phục. Một ngày, Phương nhận được tin vui từ các bác sĩ: "Anh hoàn toàn có thể trở lại chơi bóng đỉnh cao". Minh chứng cho điều đó là anh đã cùng đội tuyển Việt Nam bước lên ngôi vô địch AFF Cup 2008. Năm 2010 anh còn nhận được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Và sau đó là thời gian anh đến Đà Nẵng chơi bóng và giành chức vô địch quốc gia 2012 cho đội bóng sông Hàn ở tuổi 32.

Hiện Minh Phương vẫn thi đấu cho đội bóng sông Hàn trong tình trạng ổn định, nhưng anh không quên thời điểm khó khăn nhất đã vượt qua nên luôn dành thời gian quan tâm đến sức khoẻ chính mình. "Tôi chưa có ý định giã từ sân cỏ bởi sức khoẻ vẫn tốt, đáp ứng được yêu cầu tập luyện và thi đấu của đội", Phương nói.

AloBacsi.vn
Theo Lệ Hà - Sài Gòn Tiếp Thị

Biện pháp tốt nhất phòng bệnh này là... nghỉ ngơi

BS Nguyễn Trọng Hiền, trưởng phòng y học thể thao trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 cho biết: Dị ứng mao mạch là một bệnh tự dị ứng không rõ căn nguyên, có tổn thương lan toả hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan, chủ yếu liên quan đến da, thận, ruột và khớp. Nếu điều trị không đúng cách sẽ làm tăng huyết áp, gây suy thận. Biểu hiện dễ gặp nhất của bệnh này là đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hoá, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu... Nguyên nhân của bệnh không rõ nhưng về cơ bản được xác định là bệnh tự miễn, cơ thể làm việc, lao động nặng có thể phát bệnh. Hiện chưa có số liệu về căn bệnh này nhưng theo dõi các trường hợp vào viện thì thấy bệnh nhân mắc bệnh này không nhiều, không phổ biến. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp tốt nhất phòng bệnh là nghỉ ngơi, không lao động quá sức, ăn uống đủ chất. Nếu đã được xác định mắc bệnh cần kiểm tra huyết áp, thận, nước tiểu… Những bệnh nhân chỉ có ban xuất huyết đơn thuần thường đáp ứng tốt với các biện pháp bảo tồn này, ít khi phải dùng thuốc điều trị khác...

Đối với trường hợp của Minh Phương, hiện hoàn toàn có thể tập luyện và thi đấu. Các xét nghiệm cho thấy, sinh thiết thận mức độ tổn thương thấp, Minh Phương chỉ cần uống thuốc chống tăng huyết áp và có chế độ tập luyện, sinh hoạt hợp lý.



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]