Chế độ vận động cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ngoài việc dùng thuốc, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tham gia chương trình phục hồi chức năng hô hấp tại các bệnh viện và có chế độ ăn uống hợp lý.

31.2004

Ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT), các đường dẫn khí không còn được thông thoáng mà bị hẹp lại do có nhiều chất đàm, nhớt vào hay có hiện tượng sưng phù do viêm nhiễm kéo dài. Các phế nang cũng bị chai đi, mất tính co giãn và làm cho khí bị ứ lại trong phổi khó thoát ra ngoài. Hậu quả của 2 tình trạng trên đều làm cho phổi không lấy đủ oxy cần thiết cho nhu cầu cơ thể dẫn đến khó thở. Cảm giác khó thở là nỗi ám ảnh thường xuyên của người bị BPTNMT.

Những bệnh nhân BPTNMT nên thường xuyên tập thể dục, thay vì hạn chế vận động vì sợ mệt mỏi, khó thở. Tập thể dục đều đặn giúp máu lưu thông tốt và cơ thể sử dụng oxy tốt hơn, tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống loãng xương, chống teo cơ cứng khớp. Hơn thế nữa, khi người bệnh vận động tốt sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng, ngủ ngon hơn và nếu có dư cân béo phì thì vận động cũng sẽ giúp giảm lượng mỡ dư thừa. Vận động còn đem lại cho người bệnh cảm giác tự tin, tự chủ, không lệ thuộc vào người khác, đem lại tinh thần thoải mái và có được niềm vui sống.

Cơ thể của mỗi người đều không hoàn toàn giống nhau, hơn thế nữa, mức độ và sự tiến triển bệnh của mỗi người cũng khác nhau. Vì vậy, chế độ tập luyện như thế nào cho phù hợp và bảo đảm an toàn là vấn đề cần được lưu ý. Để vận động thể lực một cách an toàn và đạt được hiệu quả tốt trong việc kiểm soát căn bệnh, người bệnh nên tham gia chương trình phục hồi chức năng hô hấp dành cho bệnh nhân BPTNMT tại các bệnh viện. Chương trình phục hồi chức năng hô hấp là một trong những biện pháp điều trị thông dụng nhằm hỗ trợ cho người bệnh bị BPTNMT, song song với việc sử dụng thuốc.

Người bệnh tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn các bài tập vận động tay để tăng cường sức cơ chi trên, cơ hô hấp. Các loại hình vận động tay thường dùng là nâng tạ, máy tập chi trên đa năng. Các bài tập vận động chân, ngoài việc giúp cho các cơ bắp ở chân rắn chắc hơn còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp cải thiện chức năng tim phổi, giúp cho cơ thể có được sức bền cần thiết, dẻo dai và người bệnh sẽ lâu mệt hơn khi phải gắng sức. Các bài tập này sẽ được xây dựng phù hợp với khả năng và thể lực của từng người và được tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết. Các loại hình thường được sử dụng là xe đạp lực kế, thảm lăn, đi bộ trên mặt phẳng…

Một điều rất quan trọng là khi tham gia chương trình phục hồi chức năng hô hấp, người bị bệnh BPTNMT phải thu xếp thời gian để tham gia đầy đủ và liên tục trong thời gian 8 tuần lễ, một tuần ít nhất 3 buổi nhằm đem lại hiệu quả như mong muốn.

AloBacsi.vn
Theo Tuổi trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]