Phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD - Chronic obstructive pulmonary disease ) hiện đang nằm trong nhóm các bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

15.6

(SKDS) - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD - Chronic obstructive pulmonary disease ) hiện đang nằm trong nhóm các bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài một tình trạng tổn thương mạn tính, ổn định, có thể theo dõi và điều trị tại nhà, bệnh thường bùng phát những đợt cấp khiến bệnh nhân phải nhập viện và là nguy cơ chính làm bệnh nhân tử vong.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đợt cấp

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) được đặc trưng bởi một tình trạng viêm mạn tính đường thở, tổn thương chủ yếu tập trung tại các tiểu phế quản nhỏ hơn 2mm và nhu mô phổi gây giảm từ từ, không hồi phục các chức năng thông khí phổi. Bệnh có liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc lá và các yếu tố trong môi trường bị ô nhiễm. Bệnh tiến triển từ từ trong nhiều năm và thường khi có biểu hiện bằng những đợt khó thở thì đã ở giai đoạn muộn.

 Phế nang của người khỏe mạnh (1).- Phế nang của người bệnh bị COPD (2).

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được hiểu là một đợt khởi phát cấp tính với mức độ biểu hiện nặng nề hơn của các triệu chứng trên nền một bệnh nhân BPTNMT đang ổn định. Đợt khởi phát cấp tính này cần được điều trị tích cực hơn so với giai đoạn điều trị bệnh ổn định ban đầu. Như vậy, nếu trong giai đoạn ổn định, bệnh nhân BPTNMT chỉ cần dùng thuốc dự phòng co thắt, corticoide dạng hít, thở ôxy ngắt quãng thì khi bị đợt cấp, bệnh nhân có thể phải dùng kháng sinh, corticoide dạng tiêm, thở ôxy liên tục thậm chí phải thở máy qua mặt nạ hoặc qua ống nội khí quản.

Các yếu tố gây khởi phát đợt cấp BPTNMT

Có rất nhiều các nguyên nhân gây nên đợt cấp ở một bệnh nhân BPTNMT đang được theo dõi điều trị ổn định. Hàng đầu là nguyên nhân do nhiễm khuẩn (NK). Theo ước tính, NK gây nên khoảng 50 - 70% các trường hợp đợt cấp BPTNMT (vi khuẩn và vi khuẩn không điển hình, các virut đường hô hấp).

Nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virut được xác định qua nuôi soi cấy đờm, cấy máu, dịch màng phổi… hoặc qua các phản ứng huyết thanh, CRP. Vi khuẩn, virut gây nên đợt cấp BPTNMT thông qua cơ chế gây một quá trình viêm nhiễm tại phổi với vai trò của bạch cầu, các đại thực bào và các yếu tố trung gian của quá trình viêm (các cytokine). Quá trình viêm nhiễm này gây nên một tình trạng phù nề, tăng tiết, co thắt chít hẹp các tiểu phế quản, làm nặng thêm tình trạng “bẫy khí” (trapping), vốn đã tồn tại từ trước đó, trong phế nang, từ đó làm tăng tình trạng tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân khó thở nặng hơn.

Ngoài yếu tố nhiễm khuẩn, nhiễm virut, các yếu tố thuộc về môi trường ô nhiễm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần gây khởi phát đợt cấp BPTNMT. Đó là các yếu tố như nitrogen dioxide (NO2); sulphur dioxide (SO2); ozone (O3); các yếu tố trong khói thuốc lá, các phần tử bụi bẩn trong môi trường bị ô nhiễm nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Khi được hít vào phổi, các yếu tố này gây kích ứng, co thắt, viêm nhiễm và làm tắc nghẽn đường hô hấp và chiếm từ 10 - 20% nguyên nhân gây nên đợt cấp BPTNMT.

 Khám cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi Trung ương.       Ảnh: TL

Một số các yếu tố khác cũng có thể gây khởi phát đợt cấp BPTNMT như tình trạng suy dinh dưỡng, các bệnh phối hợp, lạm dụng thuốc, do thở ôxy, trạng thái tâm lý, do thời tiết, do gắng sức. Ở bệnh nhân bệnh phổi TNMT thường đã có một tình trạng dinh dưỡng kém nên khi bị suy dinh dưỡng kéo dài sẽ dẫn đến mệt cơ, nhất là các cơ hô hấp. Khi các cơ hô hấp bị mệt sẽ làm tình trạng khó thở tăng lên.

Các bệnh phối hợp, đặc biệt là suy tim và một số các bệnh khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, tắc mạch phổi… chiếm 25% nguyên nhân gây đợt cấp BPTNMT. Một tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng các thuốc như lợi tiểu làm mất kali gây mệt cơ hô hấp và mất nước, các thuốc dãn phế quản gây run và mạch nhanh, hạ ka-li máu hoặc việc sử dụng các thuốc dự phòng không đúng, không đủ… làm nặng thêm tình trạng bệnh.
 
Thở ôxy quá liều làm tăng CO2 máu trong khi thở ôxy không đủ lại làm bệnh nhân phải gắng sức nhiều, tốn công hô hấp, gây mệt cơ. Ăn uống không đủ dễ làm bệnh nhân mệt cơ nhưng ăn nhiều quá (nhất là các chất tinh bột) lại có nguy cơ làm tăng CO2 máu.
 
Thay đổi thời tiết, thời tiết quá nóng, quá lạnh, độ ẩm cao cũng làm tăng tình trạng viêm nhiễm, kích ứng gây co thắt đường hô hấp làm bệnh nhân khó thở nặng thêm. Các trạng thái tâm lý và hoạt động gắng sức quá mức cũng có thể đóng góp vào quá trình khởi phát một đợt cấp mới ở bệnh nhân đang có BPTNMT.

Dự phòng như thế nào?

Nên có một chiến lược dự phòng sự khởi phát của các đợt cấp ở một bệnh nhân đã có BPTN mạn tính vì nếu tần xuất xuất hiện của các đợt cấp càng dày có nghĩa là nguy cơ tử vong của bệnh nhân sẽ càng cao.
 
Các biện pháp dự phòng bao gồm dự phòng nhiễm khuẩn, nhiễm virut: người già nên chú ý giữ ấm vào mùa lạnh, điều trị tốt các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, một số trường hợp có thể tiêm vắc-xin phế cầu, H. influenza…; đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý với tổng số calo khoảng 1.500 - 2.000/ ngày, ăn uống các thức ăn dễ tiêu, giàu vitamin, đạm như rau xanh, thịt, trứng, sữa…; điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp và những biến chứng của bệnh phổi TNMT như suy tim phải, tăng áp lực động mạch phổi; sử dụng thuốc hợp lý, thận trọng bao gồm cả thở ôxy; tránh các stress về tâm lý và gắng sức quá mức; sử dụng đúng và đủ các phác đồ dùng thuốc trong dự phòng đợt cấp BPTNMT như corticoide dạng hít 2 lần/ ngày, tập thở theo bài dành cho người có BPTNMT và cuối cùng, cải thiện môi trường, tránh ô nhiễm là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả chúng ta vì theo ước tính, tới năm 2030, BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.   

  Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Đức Định

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]