Chuột lây virus suy thận cho người qua hơi thở

Kể cả không bị cắn, con người cũng có thể bị chuột nhiễm virus Hantaan lây truyền bệnh qua nhiều con đường khác nhau.

15.578
Tuần qua, ở TP HCM và Hà Nội có 4 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực vì nhiễm bệnh từ chuột. Cả 4 bệnh nhân đều bị chuột cắn, 3 người bị nhiễm bệnh Sodoku và một người khá nguy kịch vì nhiễm virus Hantaan gây suy thận cấp. Điều này dễ khiến nhiều người cho rằng chỉ khi bị chuột cắn, gây thương tích thì con người mới có khả năng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều con đường đơn giản khác khiến các loại virus ký sinh trên chuột lây nhiễm cho con người.

Nhiễm bệnh qua hơi thở, chất thải của chuột...

GS.TS Trương Uyên Ninh, chuyên gia virus học, nguyên cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết: "Không phải chỉ khi chuột mang mầm bệnh cắn phải thì người mới mang bệnh. Nguy hiểm là, chuột có thể truyền bệnh qua hơi thở, các chất thải loại (nước tiểu, phân) của chúng nếu chúng ta vô tình hít phải. Thức ăn bảo quản không kỹ, chuột mang mầm bệnh ăn, người không biết ăn phải cũng sẽ bị nhiễm bệnh".

Những người có nguy cơ nhiễm virus Hantaan cao là bộ đội, công nhân nông, lâm trường, nông dân, những nhà nghiên cứu với chuột hoặc những gia đình sống ở khu hạ tầng cơ sở kém, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, chuột sinh sống nhiều.

Vết cắn do chuột nai ở Châu Mỹ gây ra

Bệnh hiếm gặp ở người già và trẻ em mà hay gặp ở người trong độ tuổi lao động từ 20-50 tuổi. Lý giải điều này, GS Ninh cho biết, do nhóm người trong độ tuổi lao động thường ỉ vào sức khỏe, hay có thói quen ngủ vạ vật, ngủ không mắc màn nên dễ bị chuột mang mầm bệnh cắn.

Virus Hantaan có thể gây sốt xuất huyết phổi

Virus Hantaan trên chuột có 2 chủng có thể gây 2 thể bệnh khác nhau trên người là sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS) và sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS). Người bệnh và bác sĩ cần nhận biết đúng những triệu chứng để biết hướng điều trị đặc hiệu.

Theo GS.TS Trương Uyên Ninh, chuyên gia virus học, nguyên cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, những bệnh nhân bị suy thận do chuột cắn ở TP HCM vừa qua có lẽ là do chủng virus Hantaan gây bệnh sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS).

Ở hội chứng thận, sau khi virus Hantaan xâm nhập vào cơ thể, nhiễm vào máu kéo theo sự giãn nở mao mạch, gây thoát huyết tương, cô đặc máu gây sốc do giảm thể tích máu, xuất huyết trong bể thận, tắc ống thận, gây phù nề dẫn đến tử vong.

Hội chứng viêm phổi cũng sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, kèm theo có rối loạn đường ruột, huyết áp hạ, suy hô hấp đột ngột, choáng… Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc hội chứng phổi chiếm tới 40-50%.

Ngoài ra, cũng cần phải phân biệt bệnh sốt xuất huyết do virus Hantaan với các bệnh sốt huyết khác do loại virus khác gây nên", GS Ninh nhấn mạnh.

Ngoài việc căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng điển hình của 2 thể bệnh kể trên, các bác sĩ lâm sàng phải làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như: kỹ thuật miễn dịch enzim ELISA, miễn dịch huỳnh quang (IF), Kỹ thuật sinh học phân tử RT-PCR… và phân lập virus trên tế bào VERO-E6.

Khuyến cáo phòng bệnh do chuột cắn:

1. Nếu chẳng may bị chuột cắn hoặc nghi ngờ tiếp xúc với chuột mang bệnh, người dân cần rửa vết cắn bằng xà phòng và đến ngay cơ sở y tế chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cần phái chủ động đề phòng.

- Vệ sinh nhà cửa, loại trừ nơi cư trú của chuột ở trong nhà cũng như xung quanh.

- Loại trừ chuột bằng bằng các loại bẫy và nên nuôi mèo.

- Ngăn ngừa không cho chuột xâm nhập vào thức ăn của người và gia súc.

- Khử trùng các vùng nghi có chuột mang mầm bệnh.

- Kiểm dịch chặt chẽ tại các cửa khẩu trên đất liền, cảng biển và cảng hàng không để tránh chuột mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nước ta.


AloBacsi.vn
Theo Khám phá

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]