Có hay không “bệnh lạ” ở Mường Nhà, Ðiện Biên?

Từ cuối tháng 1/2013 đến nay, bản Khon Kén (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên) có 4 người tử vong. Và có thông tin cho rằng, các bệnh nhân này tử vong do “bệnh lạ” gây hoang mang trong nhân dân.

15.607

Từ cuối tháng 1/2013 đến nay, bản Khon Kén (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên) có 4 người tử vong. Và có thông tin cho rằng, các bệnh nhân này tử vong do “bệnh lạ” gây hoang mang trong nhân dân.

Sốt, tê bì tay chân

Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Điện Biên, từ đầu tháng 3, nhận được điện thoại của Trạm y tế xã Mường Nhà về việc trong một tháng có 2 thanh niên tử vong không rõ nguyên nhân tại bản Khon Kén, Trung tâm y tế huyện Điện Biên đã thành lập tổ công tác và vào tận bản để điều tra dịch tễ. Theo đó, tại bản Khon Kén có 44 hộ dân, 252 khẩu. Theo người dân và y tá thôn bản kể lại, trong tháng 1 và 2/2013 cả bản có 4 trường hợp tử vong: 1 trường hợp chết già; 1 trường hợp tử vong sơ sinh; 1 trường hợp tử vong là nam thanh niên sinh năm 1987 theo bệnh sử ốm khoảng 2 tháng. Ban đầu tê bì tay chân, đau khớp, không sốt, không đi ngoài. Giai đoạn gần tử vong, xuất hiện khó thở, đau ngực, nôn, có vài nốt xuất huyết trên da, rồi tử vong. Trường hợp thứ 4 cũng là thanh niên, sinh năm 1985. Trước khi tử vong 2 tháng cũng có biểu hiện tương tự như tê bì tay chân, đau cơ, khớp... Đoàn bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Điện Biên đã chẩn đoán ban đầu các trường hợp có triệu chứng tê bì chân tay, nghi ngờ nhiều người dân trong bản bị bệnh tê bì do thiếu vitamin B1...

Sau khi rời bản, đoàn công tác đã đưa 2 trường hợp đang có biểu hiện tê bì chân tay về BVĐK huyện Điện Biên điều trị và theo dõi. Sau khi được các thầy thuốc làm các xét nghiệm cơ bản đã không phát hiện điều gì đặc biệt, được chẩn đoán là thiếu vitamin B1 và được điều trị theo phác đồ Beri beri. Sau điều trị 10 ngày, cả 2 bệnh nhân tự đi lại được, hết tê bì, phản xạ gần xương đều bình thường.

Tại bản Khon Kén, PKĐK khu vực và Trung tâm y tế huyện Điện Biên đã cấp 150 đơn vị vitamin B1 cho những trường hợp nghi ngờ và thường xuyên giám sát dịch bệnh. Hiện tại, không có trường hợp nào có biểu hiện bệnh. Trung tâm y tế huyện Điện Biên đã mở ngay một lớp đào tạo lại về bệnh Beri beri cho cán bộ các đơn vị.

 Người dân khi đau ốm nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe.
“Lạ” chỉ là thiếu dinh dưỡng

Y sĩ Quàng Văn Long, Trưởng trạm y tế xã Mường Nhà khẳng định: Căn bệnh này không phải là dịch bệnh và không lây lan. Ông Long cho biết, từ khi xuất hiện những người tử vong vì bệnh này, UBND xã cùng trạm y tế xã đã lên khảo sát, khám bệnh và phát thuốc cho người dân trong bản, trong đó tăng cường các loại thuốc kháng sinh giảm đau, hạ sốt, bổ sung nhiều vitamin B1... Lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng huyện Điện Biên cũng đã đến tận bản Khon Kén để nắm bắt tình hình và có biện pháp ngăn chặn căn bệnh kịp thời. Cũng theo ông Long, bệnh này do ăn uống thiếu chất, thiếu vitamin dẫn đến suy nhược cơ thể, người dân không biết nên chỉ đến khi cơ thể mất sức đề kháng, suy sụp mới biết mình mắc bệnh. Một số người dân trong bản lại dùng thuốc Đông y đắp lên các vùng sưng khiến vùng da thâm đen. Nhiều người mắc bệnh lại ăn cá đông lạnh nhiều dẫn đến cơ thể không thích nghi nên bệnh càng nặng hơn. Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Điện Biên cho biết: Trung tâm nhận được thông tin về bệnh cách đây gần 2 tháng. Thời gian vừa qua, Trung tâm y tế dự phòng hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông cũng đã đến khu vực xảy ra bệnh này và báo lên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh xác định đây không phải là dịch bệnh và không có tính chất lây lan. Nguyên nhân bệnh do thiếu dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin B1 vì vào mùa khô, người dân vùng núi khan hiếm thực phẩm dẫn đến suy dinh dưỡng, gây ra bệnh. Để ngăn chặn căn bệnh này, người dân cần tăng cường uống vitamin B1, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Theo BS. Cà Văn Nội, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Điện Biên, bản Khon Kén có 3 dân tộc cùng sinh sống là người Mông, Khơ Mú, Thái. Đời sống nhân dân trong bản hết sức khó khăn. Vào thời điểm giáp hạt, đa số các hộ dân đều phải ăn sắn, ngô thay gạo, thức ăn có đạm rất ít. Người dân trong bản chỉ ăn rau rừng, không thấy có vườn rau gia đình. Phong tục của người Mông thường ăn với nước lã hoặc nước sôi để nguội. Mặc dù có y tế thôn bản, nhưng khi đau ốm thường cúng, ít khi đến cơ sở y tế mặc dù đã được tuyên truyền. Lãnh đạo xã Mường Nhà cũng cho biết thêm, việc tuyên truyền cho người dân về căn bệnh này cũng không dễ vì hầu hết người dân chủ quan trong việc ăn uống, thiếu kiến thức về y tế nên hoang mang trước những tin đồn cho rằng đây là một dịch bệnh nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân để họ hiểu về nguyên nhân và thực chất căn bệnh này, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Xuân Quang

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]