Có nên kiểm tra sức khỏe theo độ tuổi

Kể từ độ tuổi 40 trở đi, cơ thể phụ nữ bắt đầu đối diện với những biểu hiện thoái hóa.

0
>>  

Trong giai đoạn này, các chuyên gia đề xuất, chị em nên đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề của cơ thể nếu có.

Kiểm tra sức khỏe ở tuổi 40: Bạn đang ở vào độ tuổi 40? Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, bạn sẽ cảm thấy trọng lượng cơ thể tăng lên một cách dễ dàng hơn so với các giai đoạn trước đây. Thông qua việc kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về mục tiêu dinh dưỡng và sức khỏe, nhằm giúp bạn duy trì được chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng từ 18,5 - 24,9. Tuy nhiên, trước tiên bạn cần biết là với chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng và luyện tập thể chất thường xuyên là những phương pháp căn bản, giúp bạn duy trì được thể trọng ở mức cân đối.

Ở độ tuổi 40, bác sĩ có thể sẽ chỉ định khi nào bạn cần tiến hành kiểm tra chụp quang tuyến vú. Thời điểm này là rất tốt để bạn trao đổi với bác sĩ về những lợi ích cũng như những nguy cơ của việc chụp quang tuyến vú. Đối với tất cả các phụ nữ có các yếu tố nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư vú, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Trường ĐH Sản và phụ khoa Hoa Kỳ đề nghị, bạn nên bắt đầu chụp quang tuyến vú đều đặn từ tuổi 40, để phát hiện kịp thời các khối u.

Kiểm tra sức khỏe ở tuổi 50: Các triệu chứng mãn kinh là một vài vấn đề thông thường xảy ra ở phụ nữ khi bước vào tuổi 50 (độ tuổi trung bình mãn kinh ở phụ nữ là 51). Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về những lợi ích cũng như các nguy cơ của liệu pháp thay thế hormon và các phương pháp khác, nhằm giúp điều trị chứng bốc hỏa (hot flashes) và các triệu chứng khác liên quan đến tình trạng mãn kinh.

Theo các chuyên gia, nguy cơ phát triển bệnh tim ở phụ nữ tăng đáng kể sau giai đoạn mãn kinh. Do vậy, thông thường các bác sĩ sẽ tập trung kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim ở bạn như cao huyết áp, cao cholesterol và bệnh đái tháo đường. Bạn cũng nên biết rằng, việc hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim. Khi bước vào tuổi 50, bác sĩ cũng sẽ chỉ định bạn làm kiểm tra ung thư kết tràng và một vài kiểm tra khác để tầm soát sức khỏe.

Kiểm tra sức khỏe ở tuổi 60: Nguy cơ phát triển chứng loãng xương ở phụ nữ gia tăng một cách đột ngột sau những năm đầu mãn kinh. Việc điều trị chứng loãng xương có thể giúp chị em kéo giảm nguy cơ bị nứt xương hông, xương sống, xương cổ tay… Các bác sĩ cũng có thể trao đổi với chị em về các yếu tố nguy cơ gây nứt xương liên quan đến chứng loãng xương, như bạn có tiền sử bị nứt xương trong giai đoạn trước đây không; tiền sử gia đình bạn có người bị nứt xương không; bạn có hút thuốc, có sử dụng rượu không?

Bạn cũng cần biết rằng, với chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng và việc luyện tập thường xuyên là rất quan trọng trong việc giúp ngăn ngừa chứng loãng xương ở phụ nữ. Đặc biệt, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên cung cấp vào cơ thể đủ lượng canxi và vitamin D trong chế độ ăn hàng ngày. Những thành phần thuốc viên bổ sung canxi và vitamin D cũng rất có ích cho nhiều chị em ở độ tuổi này.

Việc tiến hành kiểm tra mật độ xương cũng rất cần thiết trong việc chẩn đoán chứng loãng xương. Viện Nghiên cứu Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ đề xuất, tất cả các phụ nữ từ 65 tuổi trở lên nên tiến hành kiểm tra mật độ xương thường xuyên, định kỳ. Ngoài ra, việc kiểm tra mật độ xương cũng được xem là rất có ích cho các chị em ở tuổi 50.

 AloBacsi.vn (Theo Phụ nữ TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]