Cỏ ngọt: thuốc hay thực phẩm bổ sung?

“Cây cỏ ngọt chưa phải là thuốc”, PGS-TS Huỳnh Ngọc Thụy, bộ môn Dược liệu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định. Thế nhưng trên thị trường, cỏ ngọt lại được giới thiệu và bán như một dược liệu.

15.6018

Đủ dạng chế phẩm

Sản phẩm phổ biến nhất của cây cỏ ngọt là cỏ ngọt khô hay còn gọi là trà cỏ ngọt, được bán ở hầu hết các nhà thuốc Đông y, đặc biệt là ở Q.5, TP.HCM. Tại nhà thuốc Vinh Thành (Q.5, TP.HCM), cỏ ngọt bán dạng nguyên lá phơi khô để nấu nước uống với giá 85.000đ/kg. Người bán cho biết, năm nay hàng khan hiếm nên mắc hơn chứ năm trước chỉ 50.000đ/kg.

Theo hướng dẫn của người bán, “chỉ cần rửa sạch, nấu sôi lên một chút là uống được” (!?). Giá trà cỏ ngọt chênh lệch khá nhiều, tùy nơi. Nhà thuốc Bảo Khang (Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình, TP.HCM) báo giá trên 100.000đ/kg; một số địa điểm bán trên mạng online ra giá đến 120.000/kg… Nhà thuốc Đông y Trung tâm (Q.5, TP.HCM) thì bán dưới dạng túi lọc, 45.000/hộp. Người bán hàng cho biết: “Bệnh nhân tiểu đường uống tốt vì lượng đường của cỏ ngọt thấp hơn những loại khác (?). Người không bệnh uống cũng được vì nó giúp làm mát, giải độc”.

Không chỉ thế, nhiều trang như: Caythuoc.org, thaoduocviet.vn… còn rao bán trà cỏ ngọt như loại thuốc trị bá bệnh: giúp điều hòa đường huyết, lợi tiểu, chống béo phì và giảm cân; là loại thuốc bổ giúp chống lại các bệnh rối loạn dạ dày, giảm đau đớn và tiêu hóa tốt; ngăn ngừa chảy máu chân răng ở những người mắc bệnh viêm lợi vì trong nó có chất kháng khuẩn mạnh; ngăn ngừa mụn trứng cá, giảm tiết bã nhờn da, chống viêm giúp luôn có một làn da mịn màng và rạng rỡ; giúp làm giảm nếp nhăn và tươi sáng hơn…

Mới đây, thị trường xuất hiện chế phẩm chiết xuất từ cỏ ngọt được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập ngoại với nhiều dạng: nước, viên... Đường cỏ ngọt được bán với giá khá cao: dạng nước từ 28.000-30.000đ/10ml; dạng viên: 36.000đ/25g. Trên bao bì sản phẩm nêu rõ: “đường dùng thay thế đường trong thực phẩm, thích hợp cho tất cả mọi người; đặc biệt là chất điều vị cho người mắc bệnh tiểu đường và nguy cơ béo phì”. Nhà sản xuất còn hướng dẫn nên dùng khi uống với cà phê, trà.

Lá cỏ ngọt và đường chiết xuất từ cỏ ngọt

Chỉ nên dùng như loại thực phẩm bổ sung

Cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana) đã được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Thành phần chính mang lại vị ngọt trong cây có tên là steviosid, có vị ngọt gấp khoảng 300 lần so với đường saccarose (đường mía). PGS-TS Huỳnh Ngọc Thụy (từng thực hiện một đề tài nghiên cứu về cây cỏ ngọt), cho biết: Chính do có vị rất ngọt nhưng không tạo năng lượng nên đường cỏ ngọt được dùng thay thế đường thông thường, thích hợp cho những người ăn kiêng, béo phì; lợi điểm khác nữa của cỏ ngọt là có thể mang lại cho người bị tiểu đường thỏa cơn thèm ngọt, mà không làm tăng đường huyết của bệnh nhân.

Nhiều nước ở Nam Mỹ như Brazil, Columbia, Paraguay, Uruguay... dùng cỏ ngọt như một thực phẩm bổ sung, thay thế đường. Ở châu Á, đặc biệt Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã dùng cỏ ngọt như một sản phẩm thay thế đường cho những người ăn kiêng, bị tiểu đường hay béo phì.

Tuy nhiên, PGS-TS Huỳnh Ngọc Thụy, nhấn mạnh: cây cỏ ngọt chưa phải là thuốc, cho đến nay người ta vẫn chỉ dùng đường chiết xuất từ cỏ ngọt như một thực phẩm bổ sung. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng chỉ cho phép sử dụng như một thực phẩm thay thế. Steviosid chiết xuất từ cỏ ngọt sẽ không làm tăng đường huyết của người bị tiểu đường như đường thông thường, song cũng không có những bằng chứng nào về tác dụng làm hạ đường huyết trên bệnh nhân tiểu đường của cỏ ngọt.

Ủy ban châu Âu khuyến cáo chỉ nên dùng đường cỏ ngọt với hàm lượng tối đa mỗi ngày 4mg/kg trọng lượng cơ thể.

Theo FDA, trong một số nghiên cứu cho thấy dùng dạng lá thô có ảnh hưởng xấu đến sinh sản, tim mạch, thận. Về dịch tễ học, người ta nhận thấy một số vùng trồng và sử dụng nhiều lá cỏ ngọt dạng thô thường có tỷ lệ sinh sản rất thấp.

Một điều cần lưu ý nữa là cây cỏ ngọt dễ bị sâu bệnh nên khi trồng phải thường xuyên dùng thuốc trừ sâu. Do đó, nếu không được bảo đảm đúng quy trình giảm thiểu dư lượng thuốc trừ sâu thì cỏ ngọt có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe.

AloBacsi.vn
Theo  An Hà - Phụ Nữ Online
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]