Da đổi màu là biểu hiện bệnh lý đáng ngại

Vài năm trước, trên vùng da gần mi mắt và khóe miệng của em bắt đầu xuất hiện những đốm có màu sáng hơn hẳn so với màu da bình thường.

15.5995
Ban đầu em được mọi người mách nên cứ tưởng mình bị lang ben. Em có tự mua thuốc về bôi mấy lần nhưng không khỏi. Từ đó đến nay, các đốm này xuất hiện ngày càng nhiều ở các vị trí khác nhau trên cơ thể như đùi, mu bàn tay và lưng. Tuy nó không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng nhìn rất mất thẩm mỹ. Mong bác sĩ giải đáp giúp em đây là dấu hiệu của bệnh gì và có chữa khỏi được không ạ? Em xin cảm ơn!

   

Chào em,

BS nghĩ nhiều khả năng là em đã bị bệnh bạch biến.

Đây là loại bệnh lý thường gặp của da (chiếm 1 - 2% dân số). Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy: bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình (20 - 30% bị bệnh khi trong gia đình có người bị bệnh) và hiện tượng tự miễn, sau nhiễm siêu vi (viêm gan siêu vi…). Các triệu chứng chính chỉ có ở ngoài da. Đốm mất sắc tố thường có hình tròn không đều hoặc không có hình dạng. Bề mặt da trơn láng, không sưng, lông trên vùng da bệnh cũng bị bạc trắng.
 
Màu trắng của da bệnh có thể đồng nhất nhưng đôi khi loang lổ, chỗ trắng lẫn với màu da thường. Đốm có giới hạn rõ ràng với da lành và vùng da lành quanh đốm đậm màu hơn da thường.
 
Vị trí bị bệnh thường gặp nhất là mặt, phần trên của ngực, nách, háng, mắt, mũi, quanh miệng, tai, núm vú, rốn, cơ quan sinh dục ngoài. Các thương tổn da cũng thường có khuynh hướng phát triển ở vùng da bị chấn thương, bỏng.

Diễn tiến của bệnh thường khó biết trước. Các đốm trắng có thể tồn tại lâu dài không thay đổi gì hoặc lan rộng ra từ từ hay tự thu nhỏ lại. Khoảng 15 - 25% trường hợp có thể tự lành, nhưng đa số kéo dài suốt đời. Tuy làm mất thẩm mỹ nhưng bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe chung.
 
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị thường dựa trên việc dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh nắng kết hợp với chiếu tia cực tím hay tắm nắng. Ngoài ra cũng có thể phẫu thuật cấy tế bào hắc tố hoặc dùng các thuốc bôi có chất streroid để làm giảm miễn dịch tại chỗ...

Nói tóm lại, việc điều trị bệnh bạch biến đòi hỏi phải kiên nhẫn dùng thuốc trong thời gian dài và có thể bị một số tai biến. Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên tới bệnh viện chuyên khoa Da liễu để được thăm khám trực tiếp và tư vấn phương pháp điều trị cụ thể cho trường hợp của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
AloBacsi.vn Theo Tri thức trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]