Đái tháo đường - Hiểm họa của thế kỷ 21

Trong khi số lượng bệnh nhân đái tháo đường tăng chóng mặt, nằm ngoài tầm kiểm soát thì chiến lược phòng, chữa trị bệnh đái tháo đường vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề đơn giản.

15.6028

Chưa hiểu hết bệnh

Rất nhiều người bệnh không hiểu vì sao mình lại bị bệnh đái tháo đường typ II và đái tháo đường typ I khác typ II như thế nào.
 
Theo PGS-TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đối với đái tháo đường typ I, quá trình gây bệnh là quá trình huỷ hoại các tế bào beta của đảo tuỵ langerhans, khiến người bệnh thiếu hoặc không còn insulin trong máu. Còn nguyên nhân gây tiểu đường typ II là do lỗi về gene kết hợp với môi trường sống bị méo mó.
 

Ảnh minh họa.

 
Hiện nay, khoa học có thể chứng minh rất cụ thể các loại nguyên nhân gây đái tháo đường typ II bắt nguồn từ khiếm khuyết gene như: khiếm khuyết chức năng tế bào beta do gene, giảm hoạt tính của insulin do khiếm khuyết gene...
 
Người bị bệnh đái tháo đường đương nhiên sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết. Đây là căn bệnh phát triển âm thầm, chính vì vậy mà gần như tất cả người bệnh đều phát hiện bệnh muộn, khi phát hiện bệnh cũng là lúc phải điều trị nhiều biến chứng mới.
 
Khi lượng đường trong máu ở bệnh nhân tăng cao cũng là lúc các biến chứng bắt đầu diễn ra rất nhanh, nếu không được điều trị tích cực. Các biến chứng mà người bị bệnh đái tháo đường thường gặp như: bệnh đáy mắt sẽ dẫn đến mù loà; viêm loét hai chân đến mức hoại tử và bị cắt cụt; tim mạch, thận, thần kinh ngoại vi...
 
Thống kê cho thấy, trong số những người bị bệnh đái tháo đường, có 6,1% người bị đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc 27,8%. Những trường hợp bệnh nhân bị biến chứng bàn chân gặp nhiều ở Việt Nam đến mức các nhà chuyên môn đã đề nghị tổ chức đái tháo đường quốc tế đầu tư nghiên cứu chuyên sâu.
 
Với thực tế rất phức tạp trong điều trị bệnh đái tháo đường, PGS-TS Tạ Văn Bình cho rằng, điều trị bệnh này trở thành điều trị khó khăn nhất so với các loại bệnh tật khác. Sự phức tạp của bệnh đái tháo đường cũng khiến LHQ coi đây là hiểm hoạ đối với loài người trong thế kỷ 21.
 
Theo thống kê, trên thế giới, cứ 20 giây qua đi thì lại có một người bệnh đái tháo đường typ II có biến chứng bàn chân bị cắt cụt và cứ 10 giây lại có một người chết liên quan đến bệnh tiểu đường.
 
Các nghiên cứu về bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng nhanh ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển là do có sự thay đổi nhanh chóng về lối sống, thói quen ăn uống (ăn nhiều chất đạm, mỡ, ăn dư thừa năng lượng...), lối sống ít hoạt động thể lực...; tốc độ trẻ hoá bệnh nhân rất nhanh, người bị tiểu đường typ II ở độ tuổi 30 ngày càng nhiều.
 
Một thực tế đáng buồn là hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tăng nhanh nhất thế giới, PGS-TS Bình thừa nhận, tuy đã quan tâm nghiên cứu về hai lĩnh vực phòng bệnh cộng đồng và điều trị chuyên sâu, nhưng chúng ta vẫn đang đứng trước thực tế là các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường typ II đang gia tăng đến mức chưa có biện pháp khống chế hữu hiệu.
 
Quá nhiều thách thức

So với thời điểm điều tra dịch tễ về bệnh đái tháo đường diễn ra 5 năm trước, đến nay, nhận thức về bệnh đái tháo đường của xã hội đã được nâng cao. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để triển khai một chiến lược phòng chống căn bệnh thế kỷ hiệu quả.

Chiến lược phòng và chữa trị bệnh đái tháo đường được đưa ra từ nhiều năm qua, song cả hai mục tiêu lớn đều đang đứng trước những thách thức mà cả ngành y tế rất dễ lùi bước.
 
PGS-TS Bình ngậm ngùi, nguồn nhân lực dành cho chiến lược còn quá mỏng và yếu, gần như không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng cao. Việt Nam gần như chưa có đào tạo chuyên sâu đối với y tá, bác sỹ khám chữa bệnh đái tháo đường. Chất lượng bác sỹ tại các bệnh viện tuyến tỉnh gần như không đủ năng lực đào tạo các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
 
Đến nay, Việt Nam cũng chỉ mới có khả năng chữa bệnh chuyên sâu đối với 2 biến chứng của bệnh nhân đái tháo đường: bệnh lý mạch máu và bệnh lý võng mạc. Theo yêu cầu quốc tế, một bác sỹ phải học 12 năm mới có đủ trình độ chuyên sâu để khám chữa bệnh đái tháo đường, trong khi ở nước ta chưa có chương trình đào tạo như thế.
 
Thực tế này khiến chất lượng điều trị bệnh đái tháo đường còn hạn chế. Mong muốn của những người trong ngành là có hệ thống đào tạo lại và đào tạo chuyên sâu riêng với bác sỹ, y tá, nhưng điều đó hiện nay hoàn toàn chưa thể làm được vì điều kiện kinh tế và xã hội chưa cho phép, nhận thức của nhiều người có chức vụ trong xã hội về căn bệnh thế kỷ này chưa đúng tầm...
 
Thách thức lớn nhất đối với việc phòng bệnh là thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt và lối sống của người dân. Hiện nay ở nước ta, tỷ lệ người có nguy cơ mắc mới bệnh đái tháo đường rất cao. Nếu không nâng được nhận thức của người dân về căn bệnh này thì ngành y không thể thoát khỏi tình trạng quá tải khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân đái tháo đường trong nhiều thập niên tới.
 
Chiến lược phòng, chữa trị bệnh đái tháo đường chỉ hiệu quả khi từng người dân nhận thức đúng hơn về căn bệnh được dự báo là có thể sẽ gây ra hiểm hoạ cho nhân loại trong những năm tiếp theo./.
Theo Quyền Thành
VOV
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]